Suốt hơn 60 năm nay, bà Vân cũng anh em sống trong căn nhà chỉ 15m2 ở ngay "khu đất vàng" trung tâm. Thời điểm cao nhất, gần 20 con người chen chúc nhau trong căn nhà chật chội này.
Mới đi ngang qua căn nhà trong hẻm 141 Lý Tự Trọng (quận 1), nhiều người sẽ không thể nhận ra đó là căn nhà nếu không có người đi ra đi vào. "Người ta thoạt nhìn bên trong thấy nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh cứ tưởng là... cái kho của nhà kế bên. Nhà siêu nhỏ thật nhưng tôi đã ở từ khi mới sinh ra đó", bà Phan Thị Mỹ Vân (62 tuổi, chủ căn nhà) cho hay.
Ngôi nhà lụp xụp ẩn sau những tòa nhà cao tầng của thành phố, với bề ngang chỉ 2m, sâu chưa đầy 10m, gần bằng một sải tay của cháu ngoại bà Vân.
Nhà nhỏ nên sinh hoạt cũng trở nên khác biệt. Chỉ trừ đi vệ sinh, tắm rửa bên trong nhà, còn lại mọi chuyện nấu nướng, giặt giũ... đều ở ngay trước cửa nhà. "Cái bếp phải dời ra ngoài cửa gần lối đi chung. Mưa thì bưng bếp ra ngoài đường có bạt che nấu tiếp. Mọi đồ đạc đều được chất cao lên để tránh ảnh hưởng đến hàng xóm", bà Vân (đứng ngoài cùng) nói.
Bên trong gian nhà chính lỉnh kỉnh đồ đạc. Tầng trệt vừa là chỗ tiếp khách, vừa là nơi nằm xem tivi của cả nhà, là chỗ ngủ của con gái và 2 đứa cháu bà Vân. Bà Vân có 3 người con nhưng 2 người mất sớm. Con gái bà đi bán hàng rong ở khu chợ Bến Thành, phố Tây Bùi Viện đến 2h về.
Tầng trệt lại được chia thành một gian nhỏ. Phía trong gian này, gia chủ kê sạp gỗ lên để có đủ chỗ ngủ cho 5 người. Đây là chỗ ngủ hàng đêm của anh Dũng (em út bà Vân) cùng vợ con.
Phía trên là gác xép nhỏ, cao khoảng 1,5m là nơi ở của cô Phan Thị Tuyết Hoa và Phan Thị Yến (đều là em gái bà Vân) cùng hai cháu ngoại.
Vì gác xép thấp nên mỗi khi di chuyển phải cúi người xuống. "Căn gác xập xệ này làm lâu lắm rồi, đi đứng phải nhẹ nhàng không sợ nó sập. Do quá nhiều đồ đạc, khó thu dọn được nên hay có dán rết bò vào nhà. Mùa nắng thì hơn cái lò thiêu, mùa mưa đỡ nóng hơn nhưng mà dột lắm", bà Tuyết Hoa (52 tuổi) cho biết.
Lối cầu thang cũng tối bưng bưng lại trơn hẹp, phải di chuyển chậm từng bước một.
Không gian vui chơi của bọn trẻ là lối đi rộng chưa đầy 2m quanh hẻm. Đồ đạc, quần áo được phơi trải dọc hai bên tường hẻm.
Hầu như thời gian, nếu không đi làm thì mọi sinh hoạt của mọi diễn ra ở hẻm và vỉa hè.
Vỉa hè ở số 141 từ hàng chục năm nay là nơi cả gia đình bà Vân buôn bán. Người bán bánh mì, bán nước, người thì bán cơm tấm. Cứ thay phiên nhau bán từ sáng đến tối. "Những khi không bán thì họ lại vào nhà nghỉ ngơi, nhà chật nên mọi người cứ thay phiên nhau. Cũng có người có gia đình thì thuê trọ ngoài nhưng do bán ở đây nên nhiều lúc cũng ở trong căn nhà chật này", cô Hương (áo hồng, cháu họ bà Vân) cho biết.
Mỗi người đều có một công việc riêng để lo cho gia đình của mình. Bà Vân trước kia bán hủ tiếu nhưng nay lượm ve chai.
Bà Tuyết Hoa cũng nhặt ve chai nhưng làm vào ban đêm. Do có nhiều người sinh sống nên mạnh ai nấy lo việc ăn uống, không bao giờ cả gia đình ăn với nhau mà hầu hết ăn ngoài. "Tính sơ sơ trong nhà này có 15 người ở, có khi lên đến 20 người nên phải sắp xếp thời gian sinh hoạt sao cho hợp lý. Riêng tôi, mỗi bữa chỉ nấu nồi cơm trắng ăn với mắm hay đồ khô cho gọn, hơn nữa bản thân lại bị bệnh, nhặt ve chai không đủ sống, chỉ dám ăn đạm bạc thôi", bà Hoa nói.
Còn gia đình anh Dũng (em út bà Vân) thì bán nước vỉa hè. Cả nhà thường quây quần bên ngoài cho mát, trời mưa cũng trú mái hiên thay vì vào nhà.
Đêm xuống, bà Vân lại quét dọn mái hiên của một cửa hàng ngay đầu hẻm.
Và mang chăn gối ra ngủ cùng hai đứa cháu ngoại. "Tôi có 4 đứa cháu thì hai đứa ở với bố chúng nó, còn hai đứa ở với tôi. Trời mưa thì mấy bà cháu cứ trú ngoài mái hiên thôi nhưng sáng phải dậy từ 5h để nhường chỗ cho người ta dọn hàng. Ngoài ra, một người em của tôi cũng ngủ ngoài đường", bà Vân cho biết.
Vì nhà quá chật nên bà vẫn rao bán, tuy nhiên vẫn chưa có người mua. "Tôi cũng muốn bán để sớm thoát khỏi cảnh này. Nhà chật nên mọi người hay nảy sinh mâu thuẫn.Tuy nhiên, bán rồi cũng khó vì cả nhà ai cũng mưu sinh ngay đây", bà băn khoăn.
|
Theo Trí thức trẻ