Hiện, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh phân phối hiện ở mức tương đối cao. Đơn cử, tại các hệ thống siêu thị Tứ Sơn, VinMart, Co.op mart… tỷ lệ hàng Việt chiếm 90%. Tại siêu thị Tứ Sơn còn hình thành khu hàng đặc sản các vùng miền cả nước với trên 400 mặt hàng của 16 tỉnh, thành phố có mặt ở Tứ Sơn và sản phẩm của trên 70 doanh nghiệp ở An Giang có tại siêu thị. Con số này không thể đạt được nếu hàng Việt Nam không chinh phục tốt người tiêu dùng và được người tiêu dùng chọn lựa. 

Mốc quan trọng đánh dấu thành công của CVĐ sau chặng đường hơn 10 năm triển khai. Cùng với việc kêu gọi mọi người ưu tiên dùng hàng nội, CVĐ còn kích thích doanh nghiệp Việt đầu tư nghiên cứu để sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao phân phối và tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa, xuất khẩu thành công ra nước ngoài. Điển hình như các đặc sản mùa nước nổi như cá linh kho mía, sản phẩm nông sản đóng hộp của Công ty Antesco, gạo của Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, thủy sản của Công ty Agifish... 

Để tiếp tục đẩy mạnh các Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, mới đây, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm khơi dậy niềm tự hào hàng Việt và hàng do doanh nghiệp An Giang sản xuất, giúp nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp An Giang, chất lượng, mẫu mã, giá thành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại An Giang; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người An Giang dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tư lực, tự cường, tự tôn dân tộc.

Sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng Việt tại An Giang thuộc các thành phần kinh tế; đồng thời, đưa ra những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là chính sách hỗ trợ và khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ảnh minh họa

Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, đồng thời phát huy vai trò của nhà nước và các tổ chức có liên quan trong quản lý thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng, nền sản xuất và phát triển lành mạnh môi trường kinh doanh hàng Việt tại An Giang.

Theo kế hoạch, đến năm 2025 An Giang phấn đấu giữ thị phần hàng Việt tại An Giang với tỷ lệ trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử…) và trên 85% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa, bách hóa…). Phấn đấu doanh thu bán lẻ của tỉnh (khu vực kinh tế trong nước) chiếm tỷ lệ từ 85-90% tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh. Phấn đấu trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp tại An Giang biết đến Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Có trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Xây dựng và nhân rộng 4-6 Điểm bán hàng Việt tại An Giang với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Thay đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia cho các sản phẩm, hàng hóa An Giang như: các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP… Nâng cao chất lượng và quảng bá rộng rãi hàng Việt chất lượng cao. Lập danh sách hàng Việt chất lượng cao có mặt trên địa bàn tỉnh và 100% hàng hóa trong danh sách đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Cùng với phát triển hệ thống phân phối bền vững, có những chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích đầu tư phát triển thương mại, nhất là chính sách hỗ trợ và khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại khu vực nông thôn và miền núi. Xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất-phân phối-tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng hóa do doanh nghiệp An Giang sản xuất có thế mạnh đến tay người tiêu dùng nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống nhân dân.

Để thực hiện đạt hiệu quả, tỉnh sẽ đẩy mạnh phối hợp thông tin, tuyên truyền, vận đông để người tiêu dùng biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt tại An Giang; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, chế tài, xử phạt khi sản xuất hàng giả, buôn lậu; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích định hướng tiêu dùng và vận đông nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt; thiết lập đường dây nóng để người dân phản ánh về chất lượng hàng hóa sản phẩm.

Bên cạnh đó, địa phương cũng có kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường; vận động các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điên tử… thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhất là hệ thống chợ, cửa hàng tạp hóa, bách hóa… nhằm mở rông kênh phân phối hàng Việt tai An Giang theo hướng bền vững. Phối hợp Bộ ngành Trung ương thành lập các tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối cung cầu để kết nối các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ. Triển khai Cuộc vận động trên môi trường trực tuyến (website: www.tuhaohangvietnam.vn và một số website khác); lập danh sách hàng Việt chất lượng cao có mặt trên địa bàn tỉnh, danh sách sản phẩm OCOP lên website và công bố rộng rãi.

Tuyết Nhung