Theo thống kê, hiện có gần 200 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở Hàn Quốc. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội nước sở tại ngày càng nâng cao. 

Tuy nhiên, nhiều trẻ em thế hệ thứ 2 sinh ra trong gia đình đa văn hóa, với bố người Hàn – mẹ người Việt, hoặc ngược lại. Các em chủ yếu nói tiếng nước sở tại, ít hoặc gần như không nói được tiếng Việt. Bên cạnh đó, do khoảng cách địa lý, công việc nên ngay cả những gia đình vợ chồng đều là người Việt Nam cũng không có thời gian dạy tiếng Việt cho trẻ.

cong dong nguoi viet tai han.webp
Hàn Quốc có đông đảo người Việt Nam sinh sống, học tập.

Việc giao lưu, sử dụng tiếng bản địa trong cuộc sống hàng ngày khiến tiếng Việt có nguy cơ bị mai một không chỉ ở Hàn Quốc mà tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để bảo tồn, gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào.

Ngay từ năm 2018, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức “Lớp tiếng Việt yêu thương” tại Seoul Woman Plaza, Thủ đô Seoul nhằm giúp con em các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn học tiếng mẹ đẻ và góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước.

Lớp học tổ chức vào chiều chủ nhật hằng tuần, kéo dài liên tục từ tháng 4 - 12 hằng năm cho độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi. Giáo trình được sử dụng giảng dạy là bộ sách tiếng Việt do Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc biên soạn dành riêng cho việc giáo dục trẻ em các gia đình đa văn hóa Hàn - Việt. Gần đây, lớp học đã cập nhật thêm bộ sách “Chào tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thụy Anh để giảng dạy cho con em người Việt tại Hàn Quốc. 

Để có kinh phí duy trì lớp học, các gia đình cùng đóng góp một phần kinh phí và phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc để mở lớp dạy tiếng Việt cho các cháu. Ngoài ra, một phần kinh phí hoạt động được tài trợ bởi Quỹ Phát triển châu Á. Qua những lớp học này, các thế hệ thứ hai sẽ trở thành cầu nối, góp phần vào sự phát triển quan hệ hai nước Việt - Hàn trong tương lai.

Một lớp học tiếng Việt cho trẻ em người Việt tại Hàn Quốc.

Đặc biệt, ngày 3/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030 tại Quyết định số 930/QĐ-TTg.

Đề án nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ. Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng. Qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc; đặt nền tảng cho giai đoạn mới về phát triển vị thế tiếng Việt trên nhiều lĩnh vực giáo dục cộng đồng.

Thông qua việc tôn vinh ngôn ngữ dân tộc, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh, tích cực đóng góp cho quê hương, đất nước. Thúc đẩy việc công nhận cộng đồng người Việt là một dân tộc thiểu số chính thức tại những địa bàn có đông người Việt sinh sống.

Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần phát triển, khuyến khích và thúc đẩy phong trào dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc. 

Chị Lê Nguyễn Minh Phương sinh sống ở Thủ đô Seoul. Các con chị sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc. Với mong muốn các con gần gũi với họ hàng bên ngoại, yêu thương Tổ quốc của mẹ, ngay từ nhỏ, chị đặt ra nguyên tắc, khi ở nhà, mọi người sẽ giao tiếp bằng tiếng Việt.

a 8023 1454.jpg
Chị Minh Phương trong chuyến dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ cùng bà con kiều bào đầu năm 2023. 

Chị mua thêm nhiều, sách, báo, truyện tiếng Việt đọc cho các con nghe. Khi các con đến tuổi đi học, song song với việc học chữ Hàn, chị cho con tham gia lớp tiếng Việt của cộng đồng người Việt, kèm con viết chữ cái tiếng Việt. Khi lượng từ vựng, ngôn ngữ của các bé đã đủ, chị khuyến khích các con tự đọc để trau dồi khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. 

Ngoài ra, mỗi tối đi ngủ, chị bật truyện cổ tích tiếng Việt để con nghe thụ động. Cứ thế, các bé dù xa quê hương nhưng lớn lên bằng dòng chảy văn hóa cội nguồn Việt Nam. Chị khẳng định, gia đình là trường học đầu tiên thông qua việc tạo môi trường để rèn luyện tiếng mẹ đẻ cho con. 

Seo Jeong Woo có bố người Hàn, mẹ người Việt. Ngay từ nhỏ, Jeong Woo được bố mẹ khuyến khích học tiếng Việt. Vì thế, chàng trai này có thể giao tiếp được bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Hiện Jeong Woo đã ở Việt Nam được 3 năm và đang theo học khoa ngôn ngữ tiếng Việt tại một trường đại học ở TP.HCM.

“Em yêu Việt Nam vì thế sau khi tốt nghiệp cấp 3, em đã xin bố mẹ cho mình trở về Việt Nam học đại học. Nhờ được học tiếng Việt từ nhỏ nên khi về Việt Nam em không bị bỡ ngỡ. Các bạn rất nhiệt tình và thân thiện, chỉ cho em biết thêm nhiều từ vựng ứng dụng trong đời sống”, Jeong Woo nói.

Chị Nguyễn Thị Xuân, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng kết hôn với chồng người Hàn Quốc và có 2 bé trai kháu khỉnh. Một bé sinh năm 2019 và một bé sinh năm 2021. Để con biết đến nơi mẹ "chôn rau, cắt rốn", chị thường xuyên tâm sự, kể chuyện về Việt Nam cho các con ngay từ khi các con mới ra đời.

Giai đoạn con tập nói, đi mẫu giáo, bên cạnh dạy nói tiếng Hàn, chị dạy con nói tiếng Việt. Việc này được chồng chị rất ủng hộ. 

Ngoài ra, chị cũng cho con biết về phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của Việt Nam qua Tết Nguyên đán cổ truyền, Tết Trung thu và các bữa cơm Việt Nam. 

xuan thuy nguynee.jpg
Chị Xuân và người chồng Hàn Quốc. 

Văn Thường và nhóm PV, BTV