GenAI Hackathon 2024 do tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX - đơn vị đang cung cấp nhiều chương trình đào tạo công nghệ và kiến thức, kỹ năng số, triển khai trong thời gian từ nay đến ngày 7/7.
Có tổng giá trị giải thưởng hơn 100 triệu đồng, cuộc thi GenAI Hackathon 2024 dành cho các học viên đã, đang học tại FUNiX cũng như sinh viên các trường đại học trong và ngoài nước. Người tham gia đăng ký dự thi theo đội nhóm từ 3 đến 5 người. Bài dự thi có thể được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Với mục tiêu khuyến khích các sinh viên cùng tham gia sáng tạo, tìm ra những giải pháp công nghệ ứng dụng GenAI trong công việc và học tập, Ban tổ chức cuộc thi GenAI Hackathon 2024 đặt ra đề bài: “Ứng dụng GenAI như ChatGPT, Midjourney, Band, Chat Sonic... để xây dựng các giải pháp, sản phẩm nhằm giải quyết các bài toán liên quan đến giáo dục nhằm hỗ trợ học viên trong quá trình học tập hoặc nhà trường, trung tâm thực hiện tốt hơn công tác quản lý và giảng dạy”.
Cuộc thi có 3 vòng gồm sơ loại, bán kết và chung kết. Ở vòng đầu tiên, các đội đăng ký và gửi ý tưởng sản phẩm về cho ban tổ chức. Mười đội được lựa chọn vào bán kết sẽ có một tuần để hoàn thiện sản phẩm, với sự hỗ trợ của chuyên gia công nghệ trong vai trò cố vấn. Ở vòng bán kết diễn ra vào tối ngày 3/7, các đội sẽ thuyết trình về dự án để Ban giám khảo chọn ra 6 đội có màn trình diễn xuất sắc nhất vào chung kết. Tại vòng chung kết dự kiến diễn ra ngày 7/7, các đội sẽ cùng tranh tài, giải quyết các thử thách nâng cao để tìm ra đội vô địch.
Theo Ban tổ chức, GenAI Hackathon 2024 diễn ra dưới hình thức trực tuyến 100%. Một trong những điểm nổi bật và mới mẻ của cuộc thi là toàn bộ sự kiện, thông tin về cuộc thi sẽ được triển khai trên nền tảng công nghệ metaverse (vũ trụ ảo), mang đến trải nghiệm thực tế ảo sống động cho các thí sinh cũng như khán giả quan tâm theo dõi.
Metaverse là thế giới ảo được tạo nên từ mạng Internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường, nhằm giúp người dùng có được những trải nghiệm chân thật nhất. Trong ‘vũ trụ ảo’ này, mỗi người đều có thể hóa thân thành các nhân vật, thể hiện cảm xúc, tham gia các hoạt động như dạo chơi với bạn bè, làm việc, mua hàng hóa dịch vụ và tham gia sự kiện.
Theo ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch DTS Group, metaverse đang được triển khai ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như giải trí, thương mại điện tử, giao tiếp và học tập. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, metaverse được ứng dụng để tạo ra các môi trường học tập ảo, giúp người học tương tác, trải nghiệm và tiếp cận kiến thức một cách sinh động hơn. Các trường học, đơn vị đào tạo đang dần chuyển hướng áp dụng metaverse vào các hoạt động dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Cuộc thi GenAI Hackathon 2024 triển khai các hoạt động trên nền tảng metaverse được nhận định sẽ tạo cơ hội, khuyến khích các bạn trẻ tham gia tìm hiểu, trải nghiệm công nghệ mới.
“Chúng tôi hy vọng cuộc thi sẽ nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo sinh viên yêu thích công nghệ, lập trình. Đây cũng là sân chơi giúp các bạn thỏa sức sáng tạo, ứng dụng các công cụ AI để giải quyết các bài toán tồn tại trong môi trường giáo dục, học tập mà chính mình đang trải nghiệm", đại diện Ban tổ chức cho hay.