Ngày 14/11, dự án đào tạo và tuyển dụng việc làm CNTT cho người mới bắt đầu đã chính thức được khởi động.
Đại diện nhóm dự án giới thiệu về kế hoạch triển khai dự án đào tạo và tuyển dụng việc làm CNTT cho người mới bắt đầu. |
Chia sẻ về lý do triển khai dự án đào tạo và tuyển dụng việc làm CNTT cho người mới bắt đầu, bà Trương Thị Kim Chi, trưởng nhóm dự án cho biết, năm 2020, toàn cầu đang chứng kiến những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 tới mọi mặt kinh tế - xã hội. Dù vậy, ngành CNTT vẫn đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Tại Hội nghị và Triển lãm Thế giới số - ITU Digital World 2020 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10 vừa qua, lãnh đạo ngành TT&TT của 50 quốc gia đã cùng nhận định: Chuyển đổi số là chìa khóa giúp thế giới vượt qua đại dịch.
Theo các chuyên gia, năm 2020 cũng đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển nghề nghiệp sang CNTT mạnh mẽ hơn bao giờ hết. CNTT là ngành nghề nóng nhất mùa tuyển sinh vừa qua với số lượng thí sinh đông đảo và điểm chuẩn cao dẫn đầu trong các khối ngành kỹ thuật. Đơn cử như, điểm chuẩn đầu vào ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay đạt mức 29,04 – cao nhất trong tất cả các ngành.
Không chỉ vậy, năm 2020 cũng ghi nhận việc nhiều sinh viên, người đã làm việc ở các ngành nghề khác định hướng chuyển nghề sang lĩnh vực CNTT để nắm bắt những cơ hội rộng mở của ngành này. Thống kê của Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech – đơn vị đã có hơn 20 tham gia đào tạo CNTT tại Việt Nam cho thấy, tại hệ thống này, số lượng sinh viên, người đi làm muốn chuyển nghề, đăng ký học CNTT tăng gần 200%, trong đó có cả những giám đốc, nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp.
Vì thế, để hỗ trợ các sinh viên và những người đã đi làm ở các lĩnh vực khác muốn chuyển nghề sang CNTT, Aptech đã phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), nền tảng kết nối cơ hội việc làm qua hồ sơ xin việc – TopCV cùng một số trường đại học và doanh nghiệp CNTT triển khai dự án đào tạo và tuyển dụng việc làm CNTT cho người mới bắt đầu.
Cụ thể, hướng đến 2 nhóm đối tượng chính là sinh viên, người đi làm có mong muốn chuyển ngành sang lĩnh vực CNTT và các sinh viên năm 3, 4 ngành CNTT muốn tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp CNTT hàng đầu, dự án sẽ tạo điều kiện để các đối tượng này được đào tạo chuyên sâu về CNTT và được kết nối làm việc tại các doanh nghiệp CNTT.
Tham gia dự án đào tạo và tuyển dụng việc làm CNTT cho người mới bắt đầu, các ứng viên sẽ được tư vấn, định hướng ngành CNTT và lộ trình học tập hiệu quả. |
Tham gia chương trình, các ứng viên sẽ được tư vấn, định hướng ngành CNTT và lộ trình học tập hiệu quả từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm, được tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu về lập trình phần mềm và các kỹ năng cần thiết; được Aptech cấp chứng chỉ đào tạo CNTT.
Bên cạnh đó, các ứng viên cũng nhận được tài khoản CV Pro từ nền tảng TopCV với nhiều nâng cấp cùng các hỗ trợ, gói học bổng, ưu đãi từ Ban tổ chức; và được cam kết hỗ trợ việc làm tại các doanh nghiệp CNTT.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn, cụ thể: sau giai đoạn phát động, tiếp nhận đăng ký của các ứng viên, dự án sẽ bước vào giai đoạn đào tạo, trước khi bước sang giai đoạn 3 – Hỗ trợ việc làm. Ở giai đoạn 3, các ứng viên sẽ tham gia chương trình tham quan thực tế doanh nghiệp IT Bus và được kết nối tuyển dụng với các doanh nghiệp CNTT.
Trong khuôn khổ sự kiện khởi động dự án, Hệ thống đào tạo lập trình viên Aptech đã ký kết hợp tác đào tạo và tuyển dụng với các doanh nghiệp TopCV, Siten và VTI. |
Được biết hiện nay, ngoài Aptech, VINASA và TopCV, dự án đào tạo và tuyển dụng việc làm CNTT cho người mới bắt đầu còn có sự tham gia của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ NewSys toàn cầu, Công ty phần mềm Siten, Công ty cổ phần VTI Việt Nam, Công ty TNHH công nghệ Liberal… và các trường đại học như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Vân Anh
Tập trung phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số
Trong năm 2019, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã có nhiều chuyển biến quan trọng theo chủ trương “chuyển đổi số” của Chính phủ, đặc biệt trong công tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.