Định hình bức tranh du lịch tây bắc Đà Nẵng
Được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, từ lâu Đà Nẵng đã là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đa số những cái tên được du khách nhắc tới lại thường nằm tại các quận trung tâm hoặc phía Đông, phía Nam thành phố, hướng về Hội An. Sở hữu tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan phong phú, song khu vực tây bắc Đà Nẵng trong nhiều năm vẫn giống như “nàng công chúa say ngủ”.
Điển hình có thể kể tới khu vực làng chài Nam Ô. Sở hữu bờ biển đẹp ôm trọn cảnh quan vịnh Đà Nẵng, ghềnh đá rêu xanh ngắt thu hút hàng ngàn du khách mỗi dịp đầu xuân, các công trình văn hoá, lịch sử, tâm linh, ẩm thực đa dạng, độc đáo… song trong suốt một thời gian dài, các hoạt động du lịch tại đây đều rời rạc và mang tính tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ.
Nhận thức được giá trị thiên nhiên, bề dày văn hoá lịch sử của vùng, từ hơn 10 năm trước, Tập đoàn Trung Thuỷ đã đặt những bước chân đầu tiên tới Nam Ô để tìm hiểu và dần định hình hướng phát triển du lịch cho toàn khu vực. Từ đó, bức tranh du lịch vùng dần thành hình trong một diện mạo hoàn chỉnh, bền vững với sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và cư dân.
Làng biển “thay áo” mới
Ngày 15/4/2023, tại sự kiện khởi động dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Tập đoàn Trung Thuỷ công bố chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cộng đồng với ngân sách hỗ trợ lên tới 1 tỷ đồng, bao gồm việc triển khai tuyến phố ăn vặt dọc công viên Nguyễn Tất Thành, trao tặng 50 suất hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại làng Nam Ô, và chương trình liên kết với các trường đại học tại Đà Nẵng nhằm đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương.
Từ một bãi đất đá ngổn ngang, nhếch nhác, giờ đây công viên Nguyễn Tất Thành đã trở thành một địa điểm đón hàng ngàn du khách tới tham quan mỗi ngày.
Là một trong những cảnh quan trung tâm của khu vực công viên, công trình nhà chờ Nam Ô với kiến trúc mang đậm bản sắc Việt đã trở thành điểm check in được giới trẻ Đà thành yêu thích. Tác phẩm điêu khắc Cổng Nam Ô nằm ngay tại khu vực lối dạo bộ ven biển cũng thu hút đông đảo du khách.
Tuyến phố ăn vặt dọc công viên Nguyễn Tất Thành đã hình thành từ tầm nhìn và định hướng về một điểm đến mang tới giá trị cho cả du khách và cộng đồng địa phương. Toàn bộ 50 xe bán hàng đã được Tập đoàn Trung Thuỷ tài trợ cho các hộ dân sinh sống tại làng Nam Ô để kinh doanh các món ăn địa phương. Như vậy, mỗi hộ dân có thể gia tăng thu nhập bên cạnh các nghề truyền thống như đánh bắt thuỷ hải sản.
Theo đơn vị quản lí tuyến phố ăn vặt, chỉ sau hơn nửa tháng đi vào hoạt động, tuyến phố đã thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Không hiếm để bắt gặp hình ảnh vào buổi sáng sớm hay chiều tà người dân đến đây vui chơi giải trí. Nơi đây là một địa điểm check in hẹn hò của nhiều cặp đôi, khu vui chơi cho các bạn nhỏ và một địa điển tập thể dục, yoga được nhiều người dân xung quanh ưa chuộng.
Bên cạnh việc tạo sinh kế mới cho người dân, việc liên kết với các đơn vị giáo dục tại Đà Nẵng nhằm đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương đã cho thấy tầm nhìn xa của nhà phát triển dự án. Đó chính là mục tiêu giúp cộng đồng dân cư hiểu rõ và tiếp cận thông tin, kỹ năng, nghiệp vụ, góp phần tăng thu nhập cá nhân và hộ gia đình.
“Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự đồng hành của địa phương, tôi tin rằng Nam Ô sẽ trở thành một điểm dừng chân không thể bỏ qua dành cho mọi du khách trên hành trình di sản Huế - Đà Nẵng - Hội An”, bà Dương Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch Tập đoàn Trung Thuỷ, chia sẻ tại sự kiện khởi động dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô.
Thế Định