Là một trong những địa phương có ngành thuỷ sản phát triển mạnh, tuy nhiên cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho ngành thuỷ sản Quảng Ninh. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 2.637 cơ sở nuôi trồng bị thiệt hại. Các ô lồng bè, nhà bè, dàn hàu, cơ sở nuôi trồng trên biển ở những vùng trọng điểm như Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… bị trôi dạt và phá huỷ gần như hoàn toàn.

Huyện Vân Đồn là vùng nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm, lớn nhất của Quảng Ninh. Sau cơn bão số 3, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn; ngoài ra còn gây thiệt hại cho 2000ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống; tổng thiệt hại dự kiến trên 2.200 tỷ đồng. Tương tự như huyện Vân Đồn, theo thống kê sơ bộ, gần như toàn bộ 800 bè hàu, 1.700 lồng nuôi cá của các hộ nuôi trên địa bàn thị xã Quảng Yên đã bị phá huỷ sau bão. 

khôi phục nuôi trồng thuỷ sản Quảng Ninh.jpg
Người nuôi trồng thuỷ sản Quảng Ninh sẽ sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất để đưa ngành thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh. Vượt lên khó khăn, mất mát, chính quyền và người dân Quảng Ninh đang nỗ lực khắc phục thiệt hại để tiếp tục tái sản xuất, vực dậy ngành thuỷ sản tiếp tục phát triển. 

Sau cơn bão số 3, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên biển ở Vân Đồn gần như xóa sổ hoàn toàn, tuy nhiên, với quyết tâm vượt khó khăn, từng bước khôi phục lại nghề nuôi biển, huyện Vân Đồn đã tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp giúp các doanh nghiệp, và người nuôi trồng thuỷ sản. Đến nay, đã có nhiều diện tích nuôi trồng được tái thả giống.

Theo ông Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, ngay sau bão, huyện đã trực tiếp tổ chức nhiều buổi trao đổi làm việc với các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thuỷ sản để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó, bàn giải pháp tháo gỡ. 

Một trong những khó khăn lớn nhất của người nuôi thuỷ sản đó là vốn, chính vì vậy, huyện đã làm việc và đề xuất với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được khoanh, hoãn, giãn trả nợ ngân hàng; tiếp cận nguồn vốn vay mới mà không có tài sản thế chấp hoặc lãi suất “0 đồng” để người dân có nguồn lực tái phục hồi sản xuất.

Song song đó, huyện phối hợp với các địa phương tiến hành thực hiện giao khu vực biển phục vụ cho việc nuôi trồng thuỷ sản. Đến ngày 30/9, huyện đã hoàn tất thủ tục giao xong vị trí, tọa độ, mốc giới, diện tích khu vực biển cho gần 600 hộ gia đình của 50 hợp tác xã trên địa bàn, với diện tích 4.553ha, tăng 118% diện tích nuôi so với thời điểm trước khi có bão số 3.

Ngay sau đó, các hộ được giao diện tích nuôi trồng thuỷ sản đã bắt tay làm lồng, chăng dây, buộc phao… Huyện Vân Đồn cho biết, hiện tại đã có 75 hộ triển khai với diện tích 495ha; có 90ha được bà con thả nuôi hàu giống, tập trung tại địa bàn các xã: Bản Sen, Hạ Long, Đông Xá, Thắng Lợi. 

Ngoài những hộ nuôi hàu biển, các hộ nuôi cá lồng bè hiện cũng đã bắt tay vào sửa chữa ô lồng bị hư hỏng. Hiện đã có 2.000 ô lồng nuôi cá được bà con khắc phục, đạt 30% so với ô lồng bị ảnh hưởng. Số ô lồng này được bà con sử dụng để nuôi những con cá còn sót lại sau bão.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, hiện nay nhiều khu vực biển của Vân Đồn đã hình thành nên những vùng nuôi mới có quy mô hơn. 

Sau bão số 3, thị xã Quảng Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xuống tận cơ sở để thống kê thiệt hại, hướng dẫn bà con tu sửa lại ao đầm, lồng bè, xử lý môi trường để tiếp tục cho vụ nuôi khác trong thời gian sớm nhất. Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trước mắt, thị xã đã làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm tạo điều kiện tối đa nhất giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tái sản xuất sau bão.

Bên cạnh đó, xác định nghề nuôi trồng thuỷ sản là nghề chính phát triển kinh tế nên các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn ngay sau bão cũng đã tập trung tu sửa, khôi phục lại hệ thống lồng bè, chuẩn bị nguyên liệu và vật tư nuôi trồng, sẵn sàng thả giống, tái sản xuất.

Với quyết tâm “sống vì biển, làm giàu từ biển”, ngư dân và người nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Ninh sẽ sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất để đưa ngành thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo như quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà tỉnh đã đề ra; xây dựng ngành thuỷ sản phát triển toàn diện, hiện đại trở thành ngành quan trọng trong cơ cấu ngành nông lâm ngư nghiệp và ngành kinh tế biển.