Nhiều siêu dự án có vốn đầu tư hàng tỷ USD trong năm qua bỗng dưng thay tên đổi chủ, cùng với những ông lớn ngoại thâu tóm dự án từ những chủ đầu tư trong nước. Đây cũng là hậu quả của nhiều chủ đầu tư một thời đổ xô bỏ tiền vào bất động sản với nhiều kỳ vọng, cuối cùng bị các đối thủ trong và ngoài nước thâu tóm.

Dự án triệu đô đổi chủ

Một siêu dự án đổi chủ cũng khiến thị trường xôn xao, Công ty The Sunrise Bay (Đà Nẵng) - chủ đầu tư siêu dự án Sunrise Bay đã công bố bảng thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cho thấy 99% cổ phần của công ty này đang được nắm giữ bởi Công ty CP Thương mại đầu tư phát triển Hoàng Huy.

Hồi tháng 4, Novaland đã chi ra gần 2000 tỷ đồng để mua lại công ty có quyền sở hữu 19% tại The Sunrise Bay.Sunrise Bay - đây là dự án được phát triển bởi tập đoàn Daewon Hàn Quốc từ năm 2007 với tên Khu đô thị quốc tế Đa Phước.

Dự án lấn biển này có diện tích 181 ha, nằm ở phía bắc Thành phố Đà Nẵng có mục tiêu lấn biển để xây dựng hơn 8.500 căn hộ, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, sân golf 18 lỗ.

Quỹ VinaLand (VNL), một quỹ đóng chuyên đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam và do Tập đoàn VinaCapital quản lý, vừa thông báo quỹ này đã thoái vốn khỏi dự án Vina Square ở TP.HCM với giá trị 41,2 triệu USD, tương đương 936 tỷ đồng.

Cuối tháng 5, VNL thông báo sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi dự án Times Square nằm trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho Công ty Elite Capital Resources Limited sau gần 1 thập kỷ gần như bất động, và thu về số tiền 41 triệu USD.

Hồi tháng 4, quỹ này cùng Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF), một quỹ khác thuộc VinaCapital, bán hết vốn tại dự án Đại Phước Lotus ở Đồng Nai cho một công ty Trung Quốc, thu về 65,3 triệu USD.

Biểu tượng biến mất

Sau nhiều năm tòa tháp cao nhất Việt Nam vẫn chỉ nằm trên giấy thì bãi đất hoang nơi triển khai dự án đã được bàn giao lại cho Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh để đầu tư dự án Công viên giải trí, trường học và Tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Golden Palace A, có công trình cao tối đa 44 tầng.

Khu đất thực hiện dự án này trước đây từng được giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây tháp dầu khí PVN Tower cao nhất Việt Nam với 102 tầng, tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đến năm 2012, PVN tuyên bố rút khỏi dự án này và dự án được chuyển giao cho Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Quy mô dự án giảm xuống 79 tầng với tổng mức đầu tư 600 triệu USD.

Công trình mang tính biểu tượng đã không còn

Trong 3 năm tiếp quản dự án, PVC đã không triển khai tiếp và dự án này vẫn chỉ là một bãi đất hoang.Tháng 7/2015, UBND thành phố Hà Nội chính thức chỉ định Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư mới của dự án.

Một dự án khác cũng đã lụi tàn là Tháp truyền hình. Thủ tướng Chính phủ đồng ý Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư tháp Truyền hình Việt Nam.

Theo kế hoạch được công bố đầu năm 2016, Tháp Truyền hình Việt Nam dự kiến cao 636 m, sẽ là tháp truyền hình cao nhất thế giới, vượt tháp truyền hình cao nhất hiện tại là Sky Tree ở Tokyo, Nhật Bản (634 m).Địa điểm xây dựng của dự án nằm tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội), với tổng mức đầu tư lên tới 1,3 -1,5 tỷ USD, riêng khối tháp là 900 triệu USD.

Dự án bao gồm nhiều hạng mục về du lịch, văn hoá, giải trí, bất động sản, có tổng diện tích 14 ha. Thời gian xây dựng khoảng 6 năm, đến 2021 hoàn thiện và đưa vào sử dụng với thời gian hoàn vốn là 15 năm.

Nhà đầu tư ngoại thâu tóm

Đầu năm 2017, CapitaLand đã thâu tóm một khu đất rộng hơn 200 ha ngay trung tâm quận 1 để chuẩn bị phát triển khu phức hợp thương mại, văn phòng cao tầng...

Keppel Land (Singapore) cũng đã tham gia vào dự án Empire City; Kepple Land vừa nâng trần sở hữu cổ phần của mình tại dự án Sai Gon Centre nhằm từng bước thâu tóm toàn bộ dự án Saigon Centre.

Dự án khu phức hợp giải trí Happyland (Xứ sở Hạnh Phúc) ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An vừa được khởi công rầm rộ trở lại hồi trung tuần tháng 11, sau khi đã kéo dài hơn sáu năm do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

{keywords}
Nhà đầu tư ngoại thâu tóm

Tại buổi lễ tái khởi động dự án Happyland, bà Phan Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Khang Thông, cho biết dự án được hồi sinh là nhờ có nhà đầu tư chiến lược Vina Oscar Hotel Limited (Hồng Kông).

Một nhà đầu tư khác, Hongkong Land cũng sẽ trở thành đối tác chiến lược với Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) trong kế hoạch phát triển nhà ở tại Thủ Thiêm, TPHCM... Hay Sunwah đang âm thầm triển khai dự án cao cấp mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD.

Có thể nói, hoạt động mua bán dự án trong năm 2017 khá sôi động, đây cũng là hậu quả của nhiều chủ đầu tư một thời đổ xô bỏ tiền vào bất động sản với nhiều kỳ vọng. Trong khi đó, các đối thủ trong và ngoài nước nhân cơ hội này mạnh tay thâu tóm.

Qua quan sát của JLL, hiện có hàng trăm triệu đôla đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Nhìn chung Việt Nam vẫn đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong khu vực, với kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới trong năm 2017 và 2018.

Duy Anh