Với mục đích nâng cao đời sống của nhân dân cả về vật chất và tinh thần, chương trình xây dựng nông thôn mới luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Xây dựng nông thôn mới bền vững không chỉ là yêu cầu bức thiết, mà còn là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay. 

Xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình hành động lớn nhằm cụ thể hóa chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông thôn, nông nghiệp, nông dân, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội cho khu vực nông thôn. 

Giữa tháng 3 vừa qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí giới thiệu những điểm mới của Bộ tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết: Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành trên cơ sở ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương, đã được triển khai thực hiện từ ngày 8/3/2022.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở địa phương vẫn còn gặp vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 là cần thiết.

Điều này nhằm hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao cấp xã, huyện và xây dựng nông thôn mới đối với huyện đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đó, Quyết định số 211/QĐ-TTg sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu tại Phụ lục I và Phụ lục II của Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; Phụ lục I và phụ lục III của Quyết định số 320/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ Tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, đặc thù của các địa phương; quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các chính sách mới ban hành trong thời gian qua và yêu cầu thực tế xây dựng xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Cùng đó, Quyết định số 211/QĐ-TTg bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021-2025 theo hướng đảm bảo chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới của các huyện phải tương đương nhau.

Từ đó, các cơ quan, địa phương có liên quan có căn cứ pháp lý, thuận lợi trong xây dựng kế hoạch, triển khai và đánh giá kết quả thực hiện.

Cụ thể, sau khi các huyện huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã được chính thức công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thì mới có đủ cơ sở thực tiễn để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất ban hành tiêu chí nông thôn mới nâng cao.Quyết định số 211/QĐ-TTg cũng được bố cục thành 4 điều quy định về sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao và bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021-2025.

Đối với các xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã an toàn khu thuộc huyện nghèo, mức đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được áp dụng theo quy định đạt chuẩn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Điểm mới về tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 01/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 211/QĐ-TTg sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, Quyết định số 211/QĐ-TTg sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022. Các chỉ tiêu được sửa gồm:

Xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã, hoặc xã có tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật và có hợp đồng hợp tác, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương;

Xã triển khai thực hiện sổ khám chữa bệnh điện tử; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn;

Tiếp cận pháp luật: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý.

Điểm mới tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao

Quyết định số 211/QĐ-TTg cũng sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022, gồm:

Tổ chức thủy lợi cơ sở (nếu có) hoạt động hiệu quả; tỷ lệ công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hàng năm.

Có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế -xã hội.

Bãi bỏ nội dung tiêu chí "tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn" và chỉ tiêu "UBND cấp tỉnh quy định cụ thể" thuộc tiêu chí về Lao động.

Có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, hoặc mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, hoặc mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ứng dụng công nghệ số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã. Xã triển khai thực hiện quản lý sức khỏe điện tử; xã triển khai thực hiện khám chữa bệnh từ xa; xã triển khai thực hiện tốt sổ khám chữa bệnh điện tử.

Có dịch vụ công trực tuyến một phần. Có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở; tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải thành.

Tỷ lệ sử dụng hình thức hóa táng. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung; cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn bình quân đầu người/ngày đêm; tỷ lệ công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững.

Quyết định số 211/QĐ-TTg cũng nêu rõ đối với các xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã an toàn khu thuộc huyện nghèo: Mức đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được áp dụng theo quy định đạt chuẩn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc.

22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 2.115 xã nông thôn mới nâng cao (tăng 503 xã so với cuối năm 2023); 463 xã nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 207 xã); bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã (tăng 0,2 tiêu chí); có 284 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 14 đơn vị, chiếm 44% số huyện cả nước), trong đó 06 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Có 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4 tỉnh), trong đó có 15 tỉnh, thành phố có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 05 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, huyện đạt chuẩn tăng qua các tháng. Lần đầu tiên có 06 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Công nhận 13.368 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.312 sản phẩm so với cuối năm 2023) với 7.425 chủ thể tham gia (trong đó 32,6% là hợp tác xã, 22,3% là doanh nghiệp, 39,6% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác). Số sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tiếp tục tăng đều qua các tháng tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ; đồng thời, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin và tiêu dùng những sản phẩm nội địa chất lượng cao. Phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đa giá trị.

Đây là kết quả tất yếu của quá trình chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là kết quả của phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.