Bỏ lại đằng sau những tin tức từ các nguồn khác nhau về nhân sự và kỷ luật nội bộ, Trung Quốc đằng sau vụ Bạc Hy Lai đứng trước một câu hỏi lớn. Đó là nhìn nhận thế nào về sự phát triển của Trùng Khánh dưới thời Bí thư Bạc, mà giới quan sát hay ví von là "mô hình Trùng Khánh".
>> Lợi ích cốt lõi Trung Quốc sẽ mở rộng tới đâu?
>> Đằng sau cọ xát Mỹ - Trung về Viện Khổng tử
>> Nghịch lý của cải cách ở Trung Quốc
Bên ngoài, lớp sơn thể hiện ra bằng phong trào hát những bài nhạc đỏ ca ngợi thời đại cách mạng văn hóa, cùng với chiến dịch thanh trừng các băng nhóm tội phạm. Lớp gỗ đằng sau đó bao hàm nhiều ý nghĩa. Có thể xem đó là một sự kết hợp tư tưởng xã hội chủ nghĩa truyền thống, lồng vào đó những cập nhật mới cho phù hợp với xu thế thời đại.
Thứ nhất, Bạc Hy Lai thực hiện chính sách bàn tay thép nhằm tạo ra một cuộc "thập tự chinh" chống lại giới tội phạm, tham nhũng đồng thời xây dựng những cách thức nhằm gia tăng tinh thần và lòng nhiệt thành cách mạng. Theo Bloomberg cho hay, thực chất việc phát động chiến dịch chống lai giới xã hội đen, là nhằm tịch thu tài sản, nguồn lực và tăng cường năng lực chính trị cho bản thân. Chưa kể đến việc Bạc Hy Lai cũng cố gắng tạo ra, dù với quy mô rất nhỏ, dấu hiệu của sự sùng bái cá nhân phổ biến.
Thứ hai, Bí thư Bạc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các công ty hay tập đoàn quốc doanh và coi đó như xương sống của nền kinh tế. Hàng loạt các dự án tham vọng được ông lập ra. Trùng Khánh được ví như Chicago của Trung Quốc. Các khoản tiền khổng lồ cần thiết để hiện thực hóa các tham vọng đó được tập hợp bởi 8 công ty tài chính địa phương, tất cả đều thuộc sở hữu của chính quyền Trùng Khánh. Các công ty này đã đi vay các khoản tiền khổng lồ, mà theo tính toán của ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) là vào khoảng 7600 tỷ nhân dân tệ (121 tỉ USD).
Một góc thành phố Trùng Khánh nhìn từ trên cao |
Để thế chấp vay vốn, họ sử dụng đất đai và lấy giá trị đất "sốt ảo" trong suốt những năm bất động sản tăng nóng để làm tăng giá trị tái đầu tư. Chủ trương "bơm mạnh tài chính để nâng cấp hình ảnh các dự án cơ sở hạ tầng và nhà ở" mà ông Bạc đề xuất đang đẩy Trùng Khánh vào nguy cơ phải hứng chịu gánh nặng nợ nần. Trên thực tế, Trùng Khánh chính là dựa vào những khoản vay lớn để tăng trưởng và dựa vào đất đai để trả nợ, những yếu tố được coi là không ổn định.
Thứ ba, liên quan đến vấn đề lao động và quản lý. Các liên đoàn lao động ở Trùng Khánh đều nằm dưới sự quản lý của chính quyền. Một khi các cuộc đình công xảy ra, Trùng Khánh thường trả lời một cách cứng rắn và theo kiểu áp đặt rất lớn. Điển hình như vụ đình công của giới tài xế taxi năm 2008, khi đó Bí thư Bạc sắp xếp một cuộc gặp bất thường có truyền hình trưc tiếp để dàn xếp. Thế nhưng sau đó lại phát động một chiến dịch chống tội phạm với kết quả là một doanh nhân tổ chức cuộc đình công bị kết án 20 năm tù vì tội gây rối loạn trật tự công cộng.
Trong suốt những năm vừa qua, Trùng Khánh - đô thị được coi là lớn nhất Trung Quốc với 32 triệu dân - được coi là biểu tượng của sự phát triển. Kể từ khi Bạc Hy Lai lên làm Bí thư, GDP của Trùng Khánh từ năm 2007 - 2011 trung bình đạt 15,8%/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình 10,5% của cả nước. Mô hình Trùng Khánh trở thành một mô hình tăng trưởng được rất nhiều người kỳ vọng, kể cả một số nhân vật tinh hoa trong giới lãnh đạo Bắc Kinh. Với việc Bạc Hy Lai bị cách chức, những chính sách mà ông áp dụng với Trùng Khánh đang bị xem xét lại.
Đặc biệt, bên cạnh những thành tích bề nổi, Trùng Khánh luôn bị cạnh tranh với mô hình Quảng Đông của Bí thư Uông Dương, được xem như một kết hợp giữa quá trình tự do hóa nền kinh tế và sự cởi mở hơn nữa trong các định chế chính trị và quyền lực. Một cách ngắn gọn, mô hình Quảng Đông là kết hợp giữa quá trình tự do hóa nền kinh tế và sự cởi mở hơn nữa trong các định chế chính trị và quyền lực. Nó dường như trái ngược hoàn toàn với Trùng Khánh của Bạc Hy Lai, với sự tập trung quyền lực mạnh mẽ theo kiểu Mao Trạch Đông và sư ưu tiên thái quá vào các tập đoàn, công ty thuộc nhà nước.
Trong những năm đầu sau khi lên làm Bí thư, Uông Dương theo đuổi đường lối tự do kinh tế. Ông đã thực hiện những chính sách nhằm đẩy nhanh cải cách, hiện đại hóa khu vực công nghiệp tại Quảng Đông và tuyên bố rằng đã đến lúc phải "mở lồng và thay đổi những con chim trong đó" (open the cage and change birds). Quá trình xây dựng một nền công nghiệp hiện đại tiến triển tốt đẹp, sự phát triển được chia đều cho cả thành thị và nông thôn. Với định nghĩa nền kinh tế là một miếng bánh, Uông Dương chú trọng vào chất lượng của miếng bánh đó hơn là kích thước.
Một trong những biện pháp nổi bật của ông là tăng lương cơ bản 18,6% vào tháng 1 năm 2011, theo sau đợt tăng 21,1% vào năm 2010. Mục đích của hai đợt tăng lương này là nhằm giúp công nhân có được thu nhập tốt hơn cũng như khuyến khích những ngành công nghiệp dựa nhiều vào nhân công cải thiện công nghệ của mình và nâng cao tính cạnh tranh. Về dài hạn, điều này sẽ mang lại hiệu quả rất tích cực, nhưng trong ngắn hạn sẽ tương đối khó khăn đối với các công ty thuộc những ngành ảnh hưởng bởi chính sách tăng lương.
Bên cạnh những vấn đề về dân nhập cư, Uông Dương cũng đối mặt với sự nổi lên mạnh mẽ của tấng lớp trung lưu và trí thức. Trong Phiên họp toàn thể của Đảng bộ Quảng Đông vào tháng 1 năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tiếp theo nhấn mạnh đến việc tăng cường sự hoạt động của chính quyền thông qua thực hiện luật pháp. Bí thư Uông Dương lần đầu tiên đề cập tới khái niệm "Quảng Đông hạnh phúc", đây là một bước đi nhằm tăng cường sự hiệu quả của hệ thống xã hội (xã hội kiến thiết), bắt đầu bằng việc tái cấu trúc xã hội từ dưới lên. Mục đích là tạo ra một xã hội với độ mở cao hơn, bằng việc thiết lập những cơ chế giúp người dân giám sát và phản hồi những chính sách của chính quyền.
Sự cạnh tranh của Quảng Đông là biểu hiện bên ngoài cho xu thế chạy đua về mô thức phát triển, nhưng không phải là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến "quyết định" loại bỏ "mô hình Trùng Khánh". Mấu chốt nằm ở yếu tố khác. Công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình và chính sách mở cửa vào năm 1978 đạt được hai thành quả quan trọng cốt lõi. Một là mở rộng vai trò của những doanh nghiệp tư nhân và liên doanh, trong đó có liên doanh giữa ngoại quốc và địa phương. Hai là dung hòa các đánh giá về di sản chính trị nhiều tranh cãi của Mao Trạch Đông, với nhận xét "sai lầm ba phần, đúng đắn bẩy phần".
Khi Bạc đụng vào hai vấn đề này khi đòi quay lãi sự chủ đạo của các công ty quốc doanh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhà nước thay cho doanh nghiệp tư nhân, điều này gây khó chịu cho các nhóm ủng hộ cải cách.
Hơn nữa, việc đề cao nhu cầu công bằng xã hội, qua việc đòi chia miếng bánh kinh tế lại đồng đều cho tất cả các thành phần tham gia, trong khi đó lại nhấn mạnh phương thức của Mao vào cá nhân lãnh đạo, khiến Bạc và mô hình phát triển của ông đi lệch khỏi tất cả đường ray về các hình dung về mô thức chính trị và lãnh đạo tại đất nước 1,4 tỷ dân này. Đó là một lý do chính, khiến "Trùng Khánh" thành tâm điểm của các phe chỉ trích.
"Mô hình Trùng Khánh" sẽ bị cáo chung theo sự nghiệp chính trị của Bí thư Bạc là nhận định chung từ các giới quan sát. Tuy vậy, trong một tình trạng "giữa ngã ba đường" về lựa chọn phát triển và cũng như xu hướng "dò đá qua sông" như lời của Đặng Tiểu Bình, thì có thể đây chỉ là một sự chấm dứt về chính sách trong thời điểm hiện tại. Mô hình hay tư tưởng tương tự kiểu Trùng Khánh có thể sẽ quay trở lại, và ở một dạng biến hình nào đó.
Nguyễn Thế Phương