- Thay vì phải phẫu thuật cắt bỏ khối u trước khi xạ trị, hệ thống máy xạ trị mới có thể đi sâu vào ngóc ngách khối u để tiêu diệt tế bào ác tính.
Ngày 25/7, bệnh viện K Trung ương cho biết, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng hệ thống máy xạ trị áp sát suất liều cao với 40 kênh dẫn hiện đại nhất hiện nay, trị giá 58 tỉ đồng.
Trên thế giới hiện chưa có nhiều quốc gia áp dụng. Tại châu Á, Việt Nam là quốc gia thứ 3 có hệ thống máy này sau Singapore và Trung Quốc.
BS Tô Anh Dũng, Trưởng khoa Xạ trị cho biết, máy xạ trị áp sát suất liều cao có nhiều ưu điểm.
Với liều xạ gấp 3 lần thông thường, máy sẽ áp sát trực tiếp vào khối u khiến khối u nhỏ đi nhanh đồng thời giúp khối u ngừng chảy máu ngay.
Một bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng máy xạ trị áp sát mới tại bệnh viện K |
Dù liều xạ lớn nhưng do đi trực tiếp vào khối u ác tính nên những tế bào lành xung quanh ít bị ảnh hưởng.
BS Đặng Thị Việt Bắc, Phó khoa Xạ vú - Phụ khoa cho biết thêm, máy có tác dụng nổi trội với các bệnh nhân ung thư vú, cổ tử cung, lưỡi... vì các kênh dẫn có thể đi sâu vào từng ngóc ngách của khối u để tiêu diệt tế bào ác tính.
"Đặc biệt, khi điều trị bằng phương pháp này, bệnh nhân ung thư vú sẽ không cần phải cắt vú bảo tồn như trước và thời gian xạ trị mỗi lần chỉ mất 5-8 phút thay vì 45 tiếng như các máy xạ trị áp sát trước kia. Sau xạ trị bệnh nhân sẽ ít mệt mỏi", BS Bắc thông tin.
Ngoài chức năng chính là xạ trị, máy cũng có hệ thống chụp spect giúp phát hiện ung thư di căn bằng các phát quang trên màn hình.
Về chi phí xạ trị áp sát suất liều cao, PGS.TS Bùi Công Toàn, Phó giám đốc bệnh viện K cho biết, mỗi lần xạ trị khoảng 4 triệu đồng, tuy nhiên kĩ thuật này đã được BHYT chi trả gần hết, nên phần còn lại người bệnh phải đóng không đáng kể.
Chiếc máy hiện đại giá trị 58 tỉ đồng |
Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất hiện nay cùng với phẫu thuật và truyền hóa chất.
Hiện có 2 phương pháp là xạ trị gia tốc (xạ trị bên ngoài) và xạ trị áp sát (bên trong).
Xạ trị áp sát sẽ đưa nguồn phóng xạ áp sát hoặc cắm trực tiếp vào khối u, các bác sĩ sẽ kiểm soát liều lượng bức xạ. Sau khi đủ liều lượng, chất phóng xạ sẽ tiêu diệt dần tế bào ung thư.
Phương pháp này giúp nâng liều tại chỗ lên cao trong khi các tổ chức lành xung quanh ít bị ảnh hưởng hơn so với chiếu xạ từ ngoài vào và giúp giảm các biến chứng xuất huyết đường tiêu hóa, đi tiểu, đi ngoài ra máu.
M.Anh