Bộ Giao thông thông báo 2 lựa chọn cho Grab và xe công nghệ
Ngày 1/4/2020 sắp tới sẽ là một dấu mốc mới của ngành vận tải khi Nghị định 10 đi vào hiệu lực và tất cả các hãng xe, dù truyền thống hay xe công nghệ đều sẽ hoạt động trên một nền tảng luật thống nhất.
Một số người tỏ ra lo ngại về sư phát triển tiếp theo của các hãng xe công nghệ như Grab sau bước chuyển này. Tuy nhiên, trên thực tế, Grab hoàn toàn không ảnh hưởng, thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng khi loại hình xe công nghệ được công nhận “chính danh” và sân chơi giữa trong lĩnh vực này trở nên phẳng.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trần Bảo Ngọc, vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, từ ngày 1/4 này Grab cũng như các hãng xe công nghệ được hoạt động bình thường và tự chọn mô hình phù hợp.Bộ đã cóhướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải như Grab, Be, Fast Go... thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 10.
Theo Nghị định 10, các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thể lựa chọn một hai trường hợp:
Thứ nhất là chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải và phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan.
Và thứ hai – cũng theo ông Trần Bảo Ngọc - là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô theo quy định của nghị định 10, các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan.
Ông Ngọc cũng nhấn mạnh là “Các hãng đều được chủ động lựa chọn hình thức phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại điều 35 của Nghị định 10”. Sự khẳng định này rất quan trọng để đảm bảo các cơ quan quản lý giao thông ở các tỉnh thành trên toàn quốc khi triển khai Nghị định sẽ hiểu đúng để thực hiện đúng, làm người lao động liên quan và khách hàng đều an tâm, tranh các lệch lạc không đáng có.
Grabcũng như các hãng xe công nghệ sẽ lần lượt công bố lựa chọn của mình để tiếp tục hoạt động ổn định.
Xe công nghệ được mở rộng hoạt động
Với những điều chỉnh từ nghị định mới, xe công nghệ được chuyển từ thí điểm sang hoạt động chính thức, được công nhận "chính danh" như một loại hình vận tải. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, dù còn khá sớm để nhận định về hiệu quả kinh tế mà bước chuyển này mang lại, tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn là "người tiêu dùng trên cả nước chứ không còn gói gọn tại 5 tỉnh thành sẽ được tiếp cận và sử dụng một phương thức đi lại, khác với phương thức truyền thống bấy lâu.
Việc mở rộng địa bàn hoạt động cũng sẽ giúp cho các tài xế của Grab có nhiều lựa chọn, khác phục được tình trạng phải đi chiều xe rỗng như trước đây.
Theo ông Nguyễn Văn Xang - giám đốc hợp tác xã An Phát Khánh hiện quản lý hơn 14.000 đầu xe công nghệ, Nghị định 10 có hiệu lực sẽ giúp định danh cho xe công nghệ và mang lại nhiều lợi ích cho cả tài xế và người tiêu dùng. “Việc mở rộng địa bàn hoạt động cho xe công nghệ không chỉ tăng thu nhập cho tài xế mà còn thuận tiện cho tài xế có môi trường làm việc. Thay vì trước đây tài xế ở tỉnh phải lên thành phố làm việc thì nay tài xế có thể chạy luôn ở quê như vậy giảm được tình trạng ùn tắc giao thông, giảm được áp lực việc làm tại các thành phố lớn".
Đại diện phía Grab cũng tiết lộ, ngay khi có thông tư, hướng dẫn từ Bộ GTVT về việc chuẩn bị thực hiện nghị định 10, Grab Việt Nam sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, nhanh chóng. “Thay vì hoạt động trong khuôn khổ một Đề án thí điểm, từ ngày 1/4/2020, Grab và các mô hình như Grab có thể chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc theo luật định. Chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động của mình”.
Grab sẽ trở thành siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường
Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam vào năm 2014, đến nay, Grab đã trở thành siêu ứng dụng dẫn đầu trên thị trường và là lựa chọn hàng đầu của người dân cho các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn. Tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70%. Tới nay, Grab đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng trăm ngàn đối tác tài xế với tổng với thu nhập tích lũy gần 1 tỷ USD.
Với vị thế đó, khi nghị định 10 được triển khai, phạm vi hoạt động được mở rộng, Grab cần nắm bắt cơ hội, nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thiện và đồng bộ hệ thống xe cũng như logo nhận diện… để kịp thời đáp ứng nhu cầu của lượng khách ngày càng lớn. Vì thế, không có gì khó hiểu khi Grab tiếp tục rót 500 triệu USD vào thị trường Việ Nam. Khoản đầu tư này theo Grab sẽ được sử dụng để triển khai các dịch vụ mới tại Việt Nam và mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics.
Khoản đầu tư này cũng thể hiện cam kết chặt chẽ và sâu rộng của Grab cho thị trường Việt Nam. Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng cùng với số lượng người trẻ quen dùng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng là những điều kiện chín muồi giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật số./.