Chị Thục Anh (30 tuổi, Bắc Ninh) hứa tặng 1 cây vàng SJC (tương đương 1 lượng - PV) tại lễ cưới của bạn thân. Ban đầu, lễ cưới dự kiến diễn ra trước Tết, tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lễ cưới buộc phải hoãn, đến nay vẫn chưa thể diễn ra.
Tuy nhiên, nhiều ngày gần đây, chị Thục Anh đứng ngồi không yên khi giá vàng SJC tăng cả triệu đồng mỗi ngày. Từ mức giá 60 triệu/lượng trước Tết, giá vàng SJC hiện đã chạm mốc 73,5 triệu đồng.
“Điều tôi lo không phải là giá đã tăng mạnh mà là giá sẽ còn tăng bao nhiêu. Không biết đến khi bạn tôi tổ chức đám cưới, giá vàng có thể giảm về mức bình thường hay không”, chị chia sẻ.
Sáng mua chiều đã lãi 2,7 triệu đồng
Trong khi đó, anh Văn Huân (32 tuổi, Hà Nội) cho biết vàng luôn nằm trong danh mục đầu tư hàng năm của anh. Theo kinh nghiệm, hàng năm, giá vàng thường tăng mạnh vào giai đoạn diễn ra ngày Vía Thần Tài và sẽ giảm trong khoảng 1 tháng sau đó. Vì vậy, anh Huân đã chốt lời toàn bộ số vàng nắm giữ 1 năm trước vào ngày vía Thần Tài 2022 vừa qua và thu về 744 triệu đồng.
Theo đúng kế hoạch, anh sẽ tái đầu tư vàng sau khi giá giảm. Tuy nhiên, tính toán của anh Huân bất thành khi giá vàng trong nước không hề hạ nhiệt sau ngày Thần Tài mà còn tăng mạnh hơn.
“Từ mức 62 triệu/lượng giữa tháng 2, giá vàng SJC đến nay đã tăng vượt mốc 73 triệu đồng. Những ngày qua, tôi thậm chí không dám mua vào vì sợ đu đỉnh”, anh Huân chia sẻ.
Với 12 lượng vàng chốt lời cách đây chưa đầy 1 tháng, nếu nắm giữ tới thời điểm này, tổng giá trị số vàng của anh Huân đã lên tới gần 900 triệu đồng.
Giá vàng miếng trong nước đã tăng hơn chục triệu đồng chỉ trong chưa đầy một tháng qua. Ảnh: Chí Hùng. |
Không riêng chị Thục Anh và anh Huân, hàng loạt nhà đầu tư trong nước cũng phải đứng ngoài giai đoạn tăng “điên cuồng” của vàng miếng thời gian qua.
Trong hơn một tuần gần nhất, giá mặt hàng này tăng liên tục vài triệu đồng/ngày, toàn bộ người mua vàng từ trước đến nay bán ra đều đã có lãi, nhưng rất ít nhà đầu tư dám xuống tiền.
Đến cuối ngày 7/3, giá vàng miếng tại SJC đã xác lập kỷ lục mới ở 71,7 - 73,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cao hơn 3,7 triệu giá mua và 4,5 triệu đồng giá bán so với buổi sáng. Mức tăng này khiến người mua vàng từ sáng đến chiều bán ra đã có lãi ngay 2,7 triệu/lượng.
Nếu so với một tuần trước, giá vàng miếng SJC hiện đã cao hơn 7,55 triệu đồng, tương đương mức tăng ròng 11,4%.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) khi giá vàng miếng đã tăng 4,5 triệu đồng hôm nay.
Vàng miếng chạm mốc 74 triệu đồng
Cụ thể, PNJ sáng nay mở cửa giá vàng miếng ở mức 67,5 triệu/lượng (mua) và 69,5 triệu/lượng (bán), chỉ tăng 200.000 đồng so với ngày 6/3. Tuy nhiên, đến cuối ngày, giá mua vào tại đây đã tăng lên mức 70,9 triệu và giá bán ra ở 74 triệu đồng.
Tính trong một tuần gần nhất, giá vàng miếng tại PNJ đã tăng 8 triệu, còn nếu so với đầu tháng 2, giá kim quý tại đây đã tăng 11 triệu đồng, tương đương 17,5%. Nếu trừ đi chênh lệch giá mua - bán PNJ đưa ra, người mua vàng một tháng trước đến nay đã lãi gần 8 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cuối ngày hôm nay đóng cửa giá vàng miếng ở 71,5 - 73,5 triệu/lượng (mua vào - bán ra), tăng lần lượt 3,4 triệu giá mua và 3,9 triệu đồng giá bán so với buổi sáng. Tính trong một tuần gần nhất, vàng miếng tại DOJI cũng đã tăng tới 7,6 triệu đồng.
Trong bối cảnh giá vàng miếng tăng dựng đứng, khối lượng giao dịch mặt hàng này lại tương đối khiêm tốn.
Một số doanh nghiệp vàng lớn cho biết hiện chưa có số lượng thống kê chính xác về khối lượng giao dịch mặt hàng vàng này những ngày gần đây, tuy nhiên ghi nhận tại một số điểm bán lớn tại Hà Nội và TP.HCM, giao dịch không tăng đột biến. Đặc biệt, khối lượng người tìm mua vàng miếng đã giảm mạnh.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho biết giá vàng miếng tăng mạnh gần đây ngoài tác động từ giá vàng thế giới (đã vượt 2.000 USD/ounce) còn đến từ việc mặt hàng này đã thoát ly khỏi diễn biến thị trường.
Trong đó, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng khiến các doanh nghiệp không thể tự chủ nguồn cung. Các doanh nghiệp buộc phải mua được mới có thể bán được, tạo nên hiệu ứng khan hiếm, điều này khiến vàng miếng trở lại một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo.
Hiện tại, vị chuyên gia cho rằng chưa có giao dịch đột biến với vàng miếng khi các doanh nghiệp ngoài việc nâng giá bán thì cũng tăng mạnh giá mua. Điều này cho thấy các doanh nghiệp sẵn sàng mua vào với giá cao để có thể bán ra với giá cao, chứ không phải nâng giá để trục lợi.
(Theo Zing)
Giá vàng hôm nay 8/3: Lên đỉnh 74 triệu/lượng, nguy cơ tăng tiếp
Giá vàng hôm nay 8/3 trên thị trường quốc tế biến động mạnh sau cú tăng vọt trong phiên đầu tuần sau khi Mỹ tính cấm nhập khẩu dầu khí từ Nga và Moscow cũng có phương án khiến châu Âu giá lạnh.