Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 năm 2024, kế hoạch nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng chống mua bán người. Qua đó kéo giảm số vụ phạm tội mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất cảnh ra nước ngoài làm việc nhẹ lương cao, mua bán người trong nội địa; thực hiện có hiệu quả công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố.

W-IMG_20230522_085201.jpg
Lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển.

Đặc biệt, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; tuyên truyền chính sách, pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hoạt động sân khấu hóa, xây dựng pano, áp phích...

Tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người, nhất là tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền nội dung phòng, chống mua bán người vào định hướng tuyên truyền hàng tháng tại hội nghị giao ban báo chí; phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông đến từng địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về các văn bản quy định của quốc tế, của Trung ương về công tác phòng, chống mua bán người…

Các cơ quan thông tin đại chúng thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm; tuyên truyền về những tấm gương điển hình, gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. Tăng cường xây dựng, phát sóng, đăng tải các phim phóng sự, tin bài, tọa đàm về chủ đề phòng, chống mua bán người vào khung giờ có nhiều người theo dõi… Xây dựng sản phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, sản xuất, phát sóng các tin bài, phóng sự về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, chính sách, pháp luật và kết quả đấu tranh phòng, chống mua bán người của các lực lượng chức năng...  

Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật lồng ghép với tuyên truyền phòng, chống mua bán người; phát huy hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở phòng, chống mua bán người, gắn với phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa.

Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người lồng ghép trong các hoạt động học tập ngoại khóa, phù hợp với yêu cầu của từng cấp học, ngành học, lứa tuổi. Tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng, chống mua bán người trong nội địa, mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động "việc nhẹ lương cao" cho học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở.

Đối với UBND các quận, huyện thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người; làm tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, chú trọng nạn nhân là trẻ em. Tuyên truyền về công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng các tài liệu hướng dẫn, phóng sự, tờ rơi về hỗ trợ nạn nhân, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật và thực hiện phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa; tổ chức hội thảo, tuyên truyền, triển lãm phòng, chống mua bán người gắn với triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… nghiên cứu ứng dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. 

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông phòng, chống mua bán người hướng đến cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người; lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người với phòng, chống tội phạm, phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào Toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể.

Lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân, không để nhóm yếu thế trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.