- Sáng 25/6, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hướng dẫn coi thi kỳ thi THPT quốc gia ở cụm thi do Sở chủ trì. Lãnh đạo Sở yêu cầu không để bất cứ cán bộ nào làm nhiệm vụ trong kỳ thi không nắm rõ quy chế. Tất cả phải thực sự nghiêm túc để tránh những “bài học xương máu”.

{keywords}

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Trong ảnh: Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. (Ảnh: Văn Chung).

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015-2016, cụm thi số 9 do Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì có hơn 11.000 thí sinh dự thi ở 27 điểm thi và trên dưới 300 cán bộ làm nhiệm vụ. Năm nay bên cạnh cán bộ giáo viên, lãnh đạo các trường THPT, cụm thi này sẽ có sự phối hợp của các giảng viên Học viện Ngoại giao là thành viên các điểm thi.

Tại hội nghị, một số điểm mới trong công tác chuẩn bị, coi thi đã được phổ biến kĩ tới từng thành viên.

Không để thiếu người, cán bộ coi thi ‘không thuộc bài’

Một số thắc mắc tập trung ở việc giải quyết chế độ cho cán bộ coi thi như: giảng viên Học viện Ngoại giao đi đến các điểm thi quá xa có được hỗ trợ về phương tiện, kinh phí; giảng viên cũng lo có thể bị tấn công khi điểm thi trong khu vực gần nhà dân; cán bộ được huy động đến điểm thi nhưng do thí sinh ít, không cần làm nhiệm vụ có được chi trả chế độ.

Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết việc giảng viên phải đi đến các điểm thi xa Sở sẽ hết sức quan tâm, giúp đỡ trong khả năng để các cán bộ này yên tâm làm nhiệm vụ; các khoản trong quy định phải chi trả sẽ thực hiện nghiêm túc tới từng cán bộ coi thi.

Ông Đại cũng lưu ý việc cán bộ coi thi vắng mặt không có lí do sở sẽ xem xét tính điểm thi đua giáo viên, nhà trường và các phòng GD-ĐT.

Việc bố trí cán bộ coi thi thuộc quyền của các điểm trường. Về chi trả, kinh phí được cấp theo chế độ đã quy định của Bộ GD-ĐT và căn cứ tính theo số lượng học sinh. Điểm trưởng có thể chỉ trả cho cán bộ khi buổi hôm đó họ làm nhiệm vụ.

Chỉ đạo hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đây là kỳ thi mang tính chất quốc gia, tính chất cạnh tranh vẫn lớn dù thí sinh ở cụm này chỉ thi để xét tốt nghiệp nhưng nhiều trường ĐH-CĐ vẫn lấy điểm đó để tuyển sinh năm học 2015-2016.

Người đứng đầu ngành giáo dục thủ đô lưu ý các điểm trưởng tập huấn kĩ lưỡng quy chế kỳ thi tới từng cán bộ coi thi, giám sát, nhân viên bảo vệ, phục vụ,…không để bất cứ ai “không thuộc bài” mà vẫn thực hiện nhiệm vụ.

Việc bố trí cán bộ coi thi phải đủ về số lượng. Trong trường hợp vì lí do khác nhau cán bộ coi thi không thể làm nhiệm vụ, điểm trưởng gọi điện thoại trực tiếp cho lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn để có phương án thay thế. Hà Nội đã yêu cầu tất cả các hiệu trưởng trường THPT máy bật máy 24/24 để nghe điện thoại. Trường hợp không liên lạc được, điểm trưởng có thể gọi trực tiếp cho lãnh đạo Sở để có phương án xử lí kịp thời.

 Xử lí nghiêm minh, tôn vinh kịp thời

Chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội là làm chặt chẽ, nghiêm túc nhưng không căng thẳng, tạo điều kiện cho thí sinh hoàn thành tốt các bài thi.

Nếu xảy ra lộn xộn phòng thi ít nhất 5 người gồm: 2 cán bộ coi thi, 1 giám sát, thanh tra, lãnh đạo điểm thi sẽ phải chịu trách nhiệm.

Sở cũng sẽ có hình thức tôn vinh cảm ơn những người nêu cao tinh thần, trách nhiệm để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc

Tại hội nghị, ông Độ cũng nhấn mạnh các điểm thi gần nhà dân, cổng trường, tường rào không an toàn cần có biện pháp đảm bảo an ninh nghiêm ngặt. Chuyện dùng dây thun bắn bài ra ngoài để giải bài rồi việc bắc thang vào trong điểm thi là khả năng tiềm ẩn, có thể xảy ra.

Điểm trưởng điểm thi khi tiếp nhận cơ sở vật chất nếu thấy không đảm bảo có thể từ chối, không nhận và báo cáo về Sở GD-ĐT Hà Nội. “Chúng tôi đã giao việc kiểm tra này cho các đoàn. Nếu xảy ra tình trạng trên thì trưởng các đoàn phải chịu trách nhiệm” – ông Độ cho biết.

Không để xảy ra ‘bài học xương máu’

Về khâu bảo mật đề thi, ông Độ cho hay: Trước đây đã từng có trường hợp cán bộ an ninh gần nhà, buổi tối xin về tắm. Khi đó điểm thi chỉ còn một phó điểm trưởng, bảo vệ trực. “Nguyên tắc là an ninh, bảo vệ phải thường trực 24/24 tại điểm thi, không thể vắng mặt. Tuyệt đối không để thiếu người trong khâu quản lí, bảo mật đề thi. Năm 1996 đã xảy ra bài học xương máu khi một điểm thi đề thi bị lộ, cả nước phải thi lại” – ông Độ lưu ý. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra bảo vệ, quản lí đề thi.

Trước lo lắng của giảng viên Học viện ngoại giao về chuyện an toàn khi làm nhiệm vụ, ông Độ cho biết lãnh đạo các quận, huyện và công an thành phố Hà Nội đã có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn cho kỳ thi. 20 năm tình trạng cán bộ coi thi bị hành hung ở Hà Nội không xảy ra.

“Chúng ta chuẩn bị tốt bao nhiêu, thao trường càng nhiều mồ hôi thì chiến trường càng ít tổn thất” – ông Độ ví von.

  • Văn Chung