- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy tại các buổi làm việc phát triển giáo dục tại Lào Cai trong các ngày 17 và 18/10.

 Do điều kiện địa bàn phân tán, khó đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục, một số tỉnh miền núi phía Bắc đang có kế hoạch sắp xếp lại hệ thống trường lớp. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo cũng là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm học này.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong buổi thị sát Trường tiểu học Pa Cheo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Sau khi ghép trường, đã có 45 học sinh về trường chính học bán trú.

Tại Lào Cai, sau hơn 1 năm được phê duyệt quy hoạch, tỉnh đã đưa gần 2.000 học sinh ở điểm trưởng lẻ về học ở trường chính, sáp nhập được hơn 20 trường; nâng cấp 4 trường phổ thống dân tộc nội trú. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 sẽ sáp nhập 130 trường xuống còn 65 trường. 

Theo ông Nguyễn Anh Ninh, giám đốc Sở GD-ĐT, việc sắp xếp lại này tạo hiệu quả đầu tư và sử dụng nguồn lực, bước đầu nâng được chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện nay, Lào Cai đang xây dựng mô hình trường liên cấp từ mầm non tới THCS.

Tương tự, Hà Giang cũng đang thực hiện việc chuyển học sinh (trước mắt ở lớp 4 – 5) từ điểm trường trở về trường chính. Trong hơn 1 năm rưỡi, tỉnh đã xoá được 61 điểm lẻ trong số 1.088 điểm trường tiểu học, phát triển trường 10 trường nội trú thành mô hình liên cấp.

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, chỉ nhưng nơi nào chuẩn bị được các điều kiện mới chuyển, chứ không nôn nóng vì “bệnh thành tích”, nếu chuyển mà gây ra hệ luỵ thì không làm.

Tỉnh Lai Châu thì đã thực hiện việc sắp xếp từ năm 2011. Theo Phó Giám đốc Sở Hoàng Đức Minh, khi làm trường liên cấp phát sinh thiếu chỗ ở cho học sinh và các điều kiện đảm bảo đời sống khác như công trình vệ sinh, điện, nước...

Mới thực hiện sáp nhập các trường thành liên cấp được 2 tháng, tỉnh Yên Bái cũng nêu kiến nghị tương tự các địa phương như: chưa có điều lệ trường liên cấp mầm non tới THCS, cần có "chuẩn quốc gia" riêng cho các trường ở khu vực miền núi, bố trí nhân lực làm công tác quản sinh....

"Rất đáng hoan nghênh!" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói và cho biết thêm, Bộ GD-ĐT quan tâm tới công tác quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới trường lớp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó. Tuy nhiên, nếu thực hiện không có chiến lược và bước đi phù hợp, bài bản sẽ phá vỡ quy hoạch, dẫn tới tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư. 

{keywords}
Ông Phùng Xuân Nhạ tham gia giờ học tiếng Anh tại lớp học ngoài trời của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố Lào Cai)

Bộ GD-ĐT sẽ có những chính sách thiết thực để sự hỗ trợ về chủ trương, chính sách đối với giáo dục vùng khó thực tế hơn, gần với điều kiện dạy và học hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường; đồng thời, triển khai công tác giáo dục vùng khó khăn một cách linh hoạt, bài bản, bám sát thực tế của các địa phương để nâng cao tính khả thi.

Người đứng đầu ngành giáo dục lưu ý cần tránh tình trạng làm ào ào, mạnh địa phương nào nơi ấy làm, phá vỡ chủ trương, quy hoạch của Bộ, của Trung ương, đồng thời không tranh thủ được sự đồng thuận của người dân, gây bức xúc trong xã hội như cách một số địa phương đã làm đổi mới giáo dục trong thời gian qua.

...
Tại buổi làm việc sáng 18/10 giữa Bộ GD-ĐT và tỉnh Lào Cai bàn về phương án chọn tỉnh này làm nơi thí điểm đổi mới giáo dục vùng khó khăn, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Văn Vịnh bày tỏ ngành giáo dục nên có sự ổn định, tránh tạo cảm giác thay đổi chóng mặt khiến người dân không kịp thích nghi. Trao đổi về điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đổi mới khác với cải cách, muốn ổn định thì phải có quá trình. Việc thay đổi sẽ diễn ra có lộ trình, chuẩn bị tâm thế không gây "sốc" cho xã hội. Ông Nhạ lấy ví dụ về thay đổi thi cử, sau những thay đổi diễn ra vào đầu năm học mới, 4 năm tới sẽ thấy rõ sự ổn định.

  • Hạ Anh