Trong giờ làm việc tại văn phòng, Bùi Ngọc Anh (25 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cúi xuống gầm bàn để nghe điện thoại. Cô không muốn đồng nghiệp nghe thấy mình nói chuyện với một khách hàng mua quần áo.

Khoảng hơn một năm qua, Ngọc Anh vừa làm việc tại khối hành chính một công ty công nghệ, vừa là cộng tác viên bán hàng cho shop online. Đây là cách để cô kiếm thêm thu nhập nhằm đảm bảo cuộc sống ở thành phố và có thêm tích lũy cho gia đình.

"Công việc chính thức của tôi khá nhàn, do vậy mức lương cũng rất hạn chế, chỉ khoảng 6,5 triệu đồng. Tôi khó có thể tồn tại ở thành phố nếu chỉ trông chờ vào số tiền này", cô chia sẻ.

Nhiều nghề

Theo Ngọc Anh, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, cô mong muốn trở về quê dạy học tại một trường cấp 3 công lập gần nhà. Tuy nhiên, dù nộp hồ sơ từ lâu, cô vẫn chưa có cơ hội thi vào biên chế.

Chờ đợi ước mơ nhà giáo, Ngọc Anh tạm ở lại Hà Nội làm việc. Nhiệm vụ hàng ngày của cô là giải quyết yêu cầu cấp giấy tờ từ công nhân viên, sắp xếp các cuộc họp cũng như phân phối văn phòng phẩm đến từng phòng, ban.

Trong khi đó, đối với công việc bán hàng online, cô thường xuyên túc trực trên fanpage của shop để trả lời và tư vấn cho khách hàng. Thuyết phục được khách "chốt đơn", cô báo lại với bộ phận kho để gửi hàng, đồng thời theo dõi tiến độ giao nhận.

"Cả hai công việc này đều đơn giản, không mất quá nhiều thời gian, cũng không có gì mệt nhọc. Những tháng đầu làm cùng lúc hai việc, tôi rất mệt mỏi bởi chưa biết cách thu xếp. Về sau, khi quen dần, tôi dễ dàng quản lý từng đầu việc để đạt hiệu quả ổn định", Ngọc Anh nói.

cong viec thu hai anh 2

Ngọc Anh vừa làm nhân viên hành chính, vừa là cộng tác viên cho shop online. Ảnh: NVCC.

Và nhờ làm việc gấp đôi, tổng thu nhập hàng tháng của Ngọc Anh là khoảng 20 triệu đồng. Đối với cô, đây là khoản tiền đủ để sinh hoạt thoải mái tại Hà Nội, đồng thời có dự trữ gửi về nhà.

"Mỗi tháng, tôi chỉ dành 1,5 triệu đồng thuê nhà ở cùng nhóm bạn, 500.000 đồng trả phí điện, nước, 2 triệu đồng mua thực phẩm và thêm khoảng 3 triệu đồng cho những khoản chi tiêu, mua sắm khác. Số tiền còn lại, tôi hầu hết đều gửi về quê nhờ mẹ giữ hộ, để dành sau này có việc dùng đến".

Nguyễn Quang Hải (26 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng vừa đổi chiếc xe máy mới sau khoảng 2 năm làm cùng lúc đến ba công việc.

Buổi sáng, anh là kiểm toán của một công ty kiểm toán tư nhân, chuyên phụ trách làm việc với nhóm doanh nghiệp tại khu vực Tây Nam Bộ.

Buổi chiều, sau giờ hành chính, anh chạy xe đến nhà học sinh dạy kèm. Một tuần, anh có 4 buổi dạy thêm môn toán và vật lý cho 2 em học sinh, một lớp 9, một lớp 12.

Ngoài ra, vào cuối mỗi tháng hoặc mỗi quý, anh nhận thêm công việc kế toán, cân đối sổ sách, hoàn thiện giấy tờ cho một số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Hiện tại, anh làm cho 3 công ty như vậy.

"Các công ty nhỏ thường ít phát sinh hóa đơn, giấy tờ trong một tháng. Họ cũng không muốn dành ngân sách để thuê kế toán nội bộ. Đó lại là cơ hội làm việc cho những kế toán, kiểm toán trẻ như chúng tôi", Hải nói.

Hải cho biết công việc chính thức của anh mang lại thu nhập trung bình khoảng 18 triệu đồng/tháng chưa tính các khoản trợ cấp. Anh có thể sống tốt với mức lương này. Tuy nhiên, Hải cho rằng "đã qua rồi thời kỳ con người ta chỉ cần ăn no, mặc ấm".

Anh không tiết lộ tổng thu nhập với cả 3 công việc của mình.

"Giờ đây, khi xã hội phát triển, con người chuyển sang nhu cầu cần được ăn ngon, mặc đẹp. Tôi từ tỉnh lên thành phố sinh sống, cha mẹ ở quê quả thực không có điều kiện hỗ trợ gì. Muốn mua được nhà, lo tốt cho tương lai, tôi buộc phải cố gắng hơn. Tôi tin mình không phải người duy nhất làm vậy", anh tâm sự.

cong viec thu hai anh 3

Sau giờ làm việc chính thức, nhiều người trẻ tham gia thêm công việc phụ thứ 2, 3. Ảnh: Phương Thảo.

Tuy nhiên, cũng theo Hải, làm cùng lúc nhiều công việc chính là phải đánh cược với sức khỏe và thời gian biểu của mình. Anh hiện mắc chứng trào ngược dạ dày, tiền đình và đau vai gáy. Anh cũng có ít dịp về quê thăm gia đình bởi hầu hết ngày nghỉ đều đi dạy học hoặc gặp gỡ đối tác, khách hàng.

"Tôi khó có thể kể hết những khó khăn của mình khi làm cật lực như vậy. Tôi nhớ một lần đi công tác 7 ngày tại Cần Thơ, mỗi ngày đều phải nhậu rất lâu cùng doanh nghiệp. Có lẽ vì uống rượu nhiều, dạ dày tôi mới bị tổn thương", anh kể.

Cân bằng

Thực tế cho thấy không ít người lao động chọn có thêm một hoặc nhiều công việc phụ mà thị trường lao động thế giới gọi chung là "side job" hoặc "side hustle".

Đây không nhất thiết phải là một công việc kinh doanh mà được định nghĩa là nguồn thu nhập phụ, giúp con người đạt được sự thoải mái, tự do hơn về tài chính.

Chia sẻ với báo chí, ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia tài chính, Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, cho rằng khi còn trẻ, còn trí óc và sức lao động, người trẻ càng nên cân nhắc đến công việc phụ, đặt mục tiêu kiếm tiền nhiều nhất có thể.

"Theo tôi, người lao động trẻ không nên hài lòng với thu nhập hiện tại. Các bạn cần cố gắng kiếm thêm công việc thứ hai, việc làm ngoài giờ, bán thời gian… để kiếm thêm tiền. Thu nhập cao hơn tiêu dùng chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc quản lý tài chính cá nhân, gia đình", ông nói.

cong viec thu hai anh 4

Theo các chuyên gia, người lao động cần cân bằng giữa công việc chính và phụ. Ảnh: Thạch Thảo.

Còn theo Forbes, khi chúng ta quyết định mang thêm công việc vào cuộc sống, bản thân phải đảm bảo rằng điều này không gây ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập hiện tại. Nếu vì mải mê với side job mà đánh mất đi nguồn thu nhập chính, tình hình của người lao động sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Nếu có thể đảm bảo rằng công việc thứ 2, thứ 3 không tác động tiêu cực đến việc làm chính thức và đời sống cá nhân, đây là những lý do khiến chúng ta nên cân nhắc lựa chọn này.

Thực hiện đam mê

Forbes cho rằng dù không bắt buộc, nhưng khi tìm công việc phụ, chúng ta nên chọn lĩnh vực mà mình đam mê bởi con người thường sẽ làm việc chăm chỉ hơn cho điều mà mình yêu thích. Đây cũng là "lối thoát" cho những ai chưa có cơ hội theo đuổi đam mê công việc của mình.

Mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo

Khi đang làm việc cho người khác, đôi khi bạn có thể cảm thấy mình mệt mỏi. Bạn về nhà, nằm dài trên ghế xem phim và gọi đó là "một ngày". Nhưng sau một thời gian như vậy, bạn sẽ nhận ra mình thực sự chưa làm được nhiều điều mới mẻ, ý nghĩa.

Nếu có một công việc phụ, bạn sẽ khác. Bạn có thể trở về nhà và tiếp tục làm điều mà mình đam mê. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng, thúc đẩy bản thân sáng tạo nhiều hơn và thử thách những điều mới mẻ.

Mối quan hệ mới

Với công việc chính thức, chúng ta vẫn có cơ hội gặp gỡ những mối quan hệ mới. Nhưng họ dường như đều ở chung một lĩnh vực, nói về cùng một thứ và làm những điều giống nhau.

Còn với công việc phụ, chúng ta có nhiều cơ hội hơn để được trò chuyện với những kiểu người khác nhau thuộc nhiều cộng đồng mới.

Tự do tài chính

Tài chính là một trong những điều gây căng thẳng lớn nhất đối với hầu hết mọi người. Với số tiền kiếm thêm từ công việc phụ, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thấy thoải mái hơn với thu nhập của mình, từng bước xây dựng cuộc sống không phụ thuộc quá nhiều vào tài chính.

Và điều này cũng có thể giúp con người làm giảm căng thẳng, cho phép bản thân thỏa mãn đam mê và trở nên hạnh phúc hơn.

cong viec thu hai anh 5

Người lao động cần chú ý yếu tố sức khỏe khi làm cùng lúc nhiều công việc. Ảnh: Đào Phương.

Trong khi đó, theo báo cáo từ nhóm nhà nghiên cứu Jennifer D. Nahrgang (Giáo sư về Quản lý và Doanh nhân tại Đại học Iowa, Mỹ), Hudson Sessions (trợ lý giáo sư tại Đại học Oregon, Mỹ), Manuel Vaulont (nghiên cứu sinh tại Đại học Bang Arizona, Mỹ) và Amy Bartels (trợ lý giáo sư Đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ), ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động và các nền tảng công nghệ, con người rất dễ dàng để tham gia vào một công việc phụ bên cạnh việc làm chính thức.

Tại Mỹ, gần 44 triệu người lao động đang thực hiện những công việc phụ khác nhau, từ làm tài xế công nghệ, cho thuê nhà hoặc bán đồ thủ công trực tuyến.

Nhóm nghiên cứu cho rằng dù làm thêm việc ở bất cứ lĩnh vực nào, con người vẫn cần dành thời gian để nghỉ ngơi, kiểm soát năng lượng của mình.

"Mọi người thường chọn buổi tối hoặc cuối tuần để làm thêm công việc thứ 2, đây đều là khoảng thời gian dành cho nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Để tránh tình trạng kiệt sức, hãy cố định lịch làm thêm của bạn vào một số ngày trong tuần, sau đó dành những ngày còn lại để cơ thể nghỉ ngơi.

Ngoài ra, trong khi làm việc, bạn cũng rất cần những phút giải lao ngắn như tập thể dục, lướt mạng xã hội hoặc một số việc vặt khác.

Không nên bắt đầu công việc phụ ngay sau khi kết thúc giờ làm việc chính thức", nhóm viết trong báo cáo được đăng tải trên Harvard Business Review.

Theo Zing

Việc làm chất lượng cao 'bốc hơi' tại Hàn Quốc

Việc làm chất lượng cao 'bốc hơi' tại Hàn Quốc

Trong năm 2021, số lượng việc làm tại Hàn Quốc tăng lên, nhưng hầu hết mang tính chất thời vụ, thu nhập thấp.