Những công trình kiến trúc xưa cũ giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh ký ức đô thị, và tạo nên bản sắc riêng cho từng thành phố. Hơn thế nữa, những công trình đó còn gắn bó với cuộc sống của người dân đô thị, ghi dấu ấn của từng giai đoạn phát triển lịch sử.

Thế nhưng, áp lực của sự phát triển theo xu hướng hiện đại và quá trình đô thị hóa, những di sản kiến trúc luôn phải đối mặt với tình trạng đe dọa bị tháo dỡ hoặc phá bỏ. Trước tình hình này, một số đô thị trên thế giới đã áp dụng thành công những biện pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc. 

Việc hài hoà giữa kiến trúc truyền thống với các kiến trúc mới đã được rất nhiều đô thị trên thế giới đúc kết thành các bài học thực tiễn, đáng tham khảo.

W-namhuong.png
Đình Nam Hương (Hà Nội)

PGS- TS Khuất Tuấn Hưng- Trưởng khoa Kiến trúc cảnh quan- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, mỗi một quốc gia có những cách bảo tồn di sản kiến trúc khác nhau. Trong đó, có xu hướng cho phép thay đổi phía bên trong một số công trình kiến trúc không thực sự có giá trị. Cụ thể là thủ đô Paris, Pháp hay Barcelona, Bruxen, Bỉ mặc dù cho phép thay đổi chức năng bên trong nhưng cố gắng bảo tồn mặt ngoài các công trình kiến trúc để giữ được ký ức đô thị trong các mối quan hệ tổng thể của khu đô thị. Trong một số trường hợp đặc biệt, một số công trình mới được khéo léo đưa vào bên trong khu vực trung tâm tạo nên sự sống động, hấp dẫn.

Với kinh nghiệm nhiều năm học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản, TS Lê Quỳnh Chi- Giảng viên Khoa Kiến trúc quy hoạch trường ĐH Xây dựng cho biết, nhiều đô thị trên thế giới nhận diện di sản đô thị rộng hơn nên các giải pháp bảo vệ các công trình di sản kiến trúc cũng linh hoạt hơn. Đáng chú ý là những con ngõ nhỏ rộng chưa đầy 2 mét ở thủ đô Tokyo hay những nhà kho được biến thành khu vực shopping ở thành phố Yokohama, Nhật Bản đều là những công trình di sản cần được bảo vệ.

Để bảo tồn những công trình di sản kiến trúc có giá trị tại các khu vực trung tâm, một số thành phố của Nhật Bản đã sử dụng công cụ Chuyển nhượng quyền phát triển không gian (TDR-Transfer Development Rights)- một công cụ thông minh, có khả năng hỗ trực thực hiện và điều chỉnh các nội dung quy hoạch phát triển trên thực tế.

Bàn về bảo tồn các di sản kiến trúc có giá trị tại các đô thị, TS Phạm Quỳnh Hương kiến nghị, thành phố giữ lại những di sản kiến trúc cũ và dành một phần không gian của di sản cho các hoạt động sáng tạo.

Bởi trong thực tế thời gian vừa qua, những không gian sáng tạo đã góp phần không nhỏ trong tôn vinh di sản, làm cho di sản có đời sống mới. Khi đi vào hoạt động, những không gian sáng tạo  đã làm sống lại những di sản kiến trúc cũ. Nhiều nơi đã xuống cấp, và bị bỏ hoang nhưng các không gian sáng tạo  đã đem lại giá trị mới cho các di sản này. không gian sáng tạo  đã tạo nên đời sống mới cho di sản cũ, không còn là nơi sản xuất, kinh doanh, hoặc nơi ở, mà đã trở thành một địa điểm về văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thư giãn, giao lưu…

Những không gian sáng tạo  giúp cho di sản đến gần hơn với người dân và giới trẻ. không gian sáng tạo  là nơi để người dân, đặc biệt là giới trẻ đến để giao lưu, thư giãn, giải trí. Bằng cách này, di sản kiến trúc đã sống lại, đến gần hơn với người dân, cộng đồng và giới trẻ.

Minh chứng đã được thực tế đúc kết qua nhà Hội quán Quảng Đông, trường mẫu giáo cũ trước đây bây giờ trở thành không gian sáng tạo thuộc loại “khủng” nhất ở Hà Nội với 2000m2. Hay từ một công trình tôn giáo cũng có thể trở thành không gian sáng tạo, ví dụ như đình Nam Hương.

Nhóm PV