Giá điện không tăng trước Tết nhưng vẫn được tính toán trên cơ sở các yếu tố đầu vào và không loại trừ khả năng tăng đầu năm 2015.
Tăng giá và báo lãi
Năm thứ 3 liên tiếp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục kinh doanh điện có lãi.
Với mức giá thành chỉ ở mức 1.473,8 đồng/kWh, thấp hơn nhiều giá bán điện bình quân được duyệt, năm 2013, EVN đã lãi gần 5.000 tỷ đồng. So với con số 4.404 tỷ đồng của năm 2012, số lãi trên đã tăng thêm 12%.
Năm 2014, công ty mẹ của EVN đã dự kiến tiếp tục lãi ít nhất khoảng 400 tỷ đồng.
Nhưng dù lãi, EVN vẫn đã và sẽ tăng giá điện.
Giá điện tăng là cả một lộ trình có sẵn. |
Chia sẻ tại cuộc họp báo công bố giá thành điện hôm 30/12, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, giá điện bán lẻ sẽ không tăng trước Tết năm nay.
Theo ông cho biết, năm 2014, tháng nào EVN cũng gửi báo cáo Bộ Công Thương về biến động giá thành điện. EVN đã không tăng giá điện năm qua vì đã có những giải pháp khác bù đắp lại.
Phân tích về các yếu tố đầu vào, ông Tri liệt kê, EVN đã gặp một số thuận lợi như thuỷ điện dồi dào đã giúp cho EVN giảm 2.005 tỷ đồng chi phí phát điện.
Thêm vào đó, giá khí ngoài bao tiêu cung cấp cho các nhà máy BOT Phú Mỹ với khối lượng 2,5 tỷ m2 lại chịu tác động trực tiếp từ giá dầu. Giá khí thị trường này được tính bằng 0,46% giá dầu FO nên khi dầu giảm, giá khí này giảm theo.
Giá khí trong bao tiêu theo các hợp đồng đã ký là giá thực hiện theo lộ trình thị trường hoá, Chính phủ duyệt tăng bình quân 2%/năm theo giá USD. Do đó, giá khí này không bị ảnh hưởng do biến động giá dầu.
Ngoài ra, EVN đã bù xong hoàn toàn khoản lỗ 12.000 tỷ đồng kinh doanh điện 2 năm 2010-2011 và xử lý xong 70% khoản lỗ 26.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá. Hiện, EVN chỉ còn dư lại hơn 8.800 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ vào giá điện.
Tuy nhiên, ông Tri lại cho biết có nhiều khoản đội chi phí lên mà EVN đã treo lại trong năm 2014. Ví dụ như giá than tăng đã làm đội chi phí sản xuất điện lên 2.271 tỷ đồng. Giá khí trên bao tiêu tăng làm đội chi phí của EVN là 1.414 tỷ đồng, tỷ giá tăng nhẹ làm tăng chi phí sản xuất điện 128 tỷ đồng.
Kế đến là việc tăng thuế tài nguyên nước từ 2% lên 4% cũng khiến EVN phải tốn thêm một khoản 1.004 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường rừng cũng làm tốn chi phí khoảng 166 tỷ đồng. Chưa kể là Tập đoàn này còn phải gánh thêm khoản phát sinh hơn 1.019 tỷ đồng tiếp nhận lưới điện nông thôn, hay khoản 267 tỷ đồng tiền lắp đặt các tụ bù...
Tổng cộng bù trừ, ông Tri khẳng định chi phí mà EVN bị đội lên trong năm 2014 đã là 15.000 tỷ đồng.
Ông Tri nói để xử lý, cách thứ nhất là tăng giá điện để bù đắp nhưng EVN đã không làm vậy trong năm 2014.
"Chúng tôi đã tính toán giải pháp khác, như xin Bộ hoãn việc phân bổ 8.800 lỗ chênh lệch tỷ giá ngay vào giá điện, rồi xin hoãn việc trả tiền mua khí cho PVN... Trong khung giá của Quyết định 69, nếu có giải pháp khác bù đắp được thì Bộ đã cùng EVN hoãn việc tăng giá", ông Tri cho hay.
"Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi thấy vẫn còn các chi phí trên. Nếu dầu giảm xuống 40 USD, EVN có thể nhẹ gánh hơn 1 chút, nhưng nếu miền Nam tăng phụ tải quá nhanh, buộc phải đổ dầu vào đốt thì sẽ là thảm hoạ. Với giá thành 5.000-6.000 đồng/kWh mà chỉ bán có 1.500 đồng/kWh thì mức giá bán hiện nay không thể chịu được", ông Tri lo ngại.
Là một thành viên của tổ kiểm tra giá thành điện, ông Vũ Gia Phan, Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tỏ ra không hài lòng khi cho hay: "Toàn bộ việc kiểm tra chỉ dựa trên 5-7 báo cáo của EVN. Đoàn làm việc không có so sánh kiểm chứng được nên không thể tìm ra các sai sót của EVN, chỉ biết EVN báo cáo như vậy thôi".
Thận trọng xem xét đầu vào của giá điện
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương chia sẻ, chúng tôi sẽ căn cứ vào các yếu tố thông số đầu vào cơ bản. Đó là giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện huy động được... Nếu các yếu tố này tăng thì giá điện tăng, nếu giảm thì giá điện sẽ phải giảm. Việc điều chỉnh giá điện phải nằm trong khung giá của Thủ tướng duyệt và không nhằm bù lỗ cho EVN.
Đánh giá tình hình các tác động đầu vào của ngành điện, theo ông Tuấn, mấy tháng gần đây, giá dầu giảm, nên giá cơ sở điện cho năm 2015 sẽ phải tính lại trên cơ sở giá nhiên liệu cập nhật từ lần tăng giá điện gần nhất hồi tháng 8/2013 cho đến lúc tính toán giá.
|
Cân nhắc các yếu tố đầu vào để tăng giá. |
Cụ thể, giá than bán cho điện hiện nay chưa thay đổi theo giá dầu. Giá khí trong bao tiêu tăng theo lộ trình, tỷ giá có thể thay đổi, cơ cấu nguồn điện sẽ huy động trong mùa khô 2015 thay đổi cũng sẽ ảnh hưởng tới giá thành điện năm 2014.
Ông Tuấn nhấn mạnh, phương án giá điện mới chắc chắn phải dựa trên các dữ liệu cập nhật thực tế này, có nhiều yếu tố thuận lợi hơn trước.
Tuy nhiên, cả lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực và EVN đều không tiết lộ các dự kiến tăng giá điện cụ thể, cũng như thời điểm tăng giá.
Điều duy nhất mà ông Tuấn và ông Tri nói về mức tăng giá điện, chỉ là sự nhắc lại các quy định: nếu mức điều chỉnh tăng từ 7-10% thì sẽ do EVN và Bộ Công Thương duyệt, nhưng nếu tăng trên 10% thì phải xin ý kiến, Thủ tướng duyệt.
Phạm Huyền