Chỉ chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng khiến nhiều người chết và bị thương nặng, từ vụ lái xe taxi húc hàng loạt người, phương tiện trên cầu vượt Thái Hà (quận Đống Đa), đến vụ TNGT nghiêm trọng khiến 1 người chết và 1 người bị thương tại khu vực đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm. Trước đó không lâu, 1 chiếc xe buýt đã húc vào nhiều người điều khiển mô tô đang dừng mặc áo mưa, trú mưa dưới hầm đường bộ Kim Liên.
Vụ TNGT liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà: 1 người đã tử vong, lái xe taxi bị chấn thương sọ não
Khi dư âm của những vụ TNGT trên chưa kịp lắng xuống, người dân lại bàng hoàng bởi vụ việc tại quận Hai Bà Trưng hôm cuối tuần vừa rồi, một phụ nữ lái xe sang Lexus… đạp nhầm chân phanh thành chân ga, khiến chiếc xe đâm bẹp xe Honda Civic đang đỗ trên vỉa hè. Cũng trong ngày hôm ấy, khoảng 23h, một chiếc xe ô tô 4 chỗ va chạm với xe máy trên đường Nguyễn Du, rồi bỏ chạy và phi thẳng đến… cơ quan công an, vì sợ bị người bị hại hành hung.
Chủ quan và thiếu hiểu biết khi điều khiển ô tô dẫn tới hậu quả khôn lường. (Trong ảnh: Cứu hộ một vụ tai nạn do lái xe taxi chủ quan để người bán hàng nước nhảy lên xe điều khiển lao thẳng xuống sông Tô Lịch) |
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, song đáng lo nhất là nguyên nhân xuất phát từ sự xem nhẹ tính mạng, sự an toàn của người tham gia giao thông. Từ việc va chạm rất nhỏ nhưng các lái xe đã không dừng lại giải quyết, bỏ chạy và truy đuổi, dẫn đến tai nạn chết người. Ngay cả vụ TNGT liên hoàn giữa xe buýt và các xe máy trong hầm đường bộ Kim Liên, lỗi đầu tiên thuộc về người bị hại. Họ vi phạm quy định pháp luật, thản nhiên dừng đỗ giữa hầm để trú mưa hay để mặc áo mưa.
Nỗi lo khác - không hề nhỏ là kỹ năng của không ít người điều khiển ô tô. Sự cố đạp nhầm chân phanh thành chân ga lâu nay xảy ra không ít và thường rơi vào những phương tiện được đánh giá là “sang”, “xịn”. Ngồi xe “sang” không đồng nghĩa với người lái giỏi. Người ta có thể bỏ tiền mua được phương tiện, nhưng không thể “mua” được kỹ năng lái xe cũng như kiến thức pháp luật, nếu không có ý thức tự rèn luyện, học hỏi.
Để có giấy phép lái xe, các học viên phải trải qua hai bài thi cơ bản là lý thuyết và thực hành. Giấy phép lái xe chỉ được cấp cho những người đủ tiêu chuẩn vượt qua các nội dung sát hạch đó. Nhưng lý thuyết không phải bao giờ cũng giống như thực tế. Nhiều học viên chỉ coi trọng thực hành mà bỏ quên phần lý thuyết. Có cả những người khi điều khiển xe ô tô ra đường, nếu bị kiểm tra, sẽ “ù ù cạc cạc” cả hai phần lý thuyết lẫn thực hành.
Bởi vậy, việc siết chặt quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết. Cùng với đó, lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện trong tình trạng vừa sử dụng chất kích thích. Cưỡi ô tô đâu hẳn đã sướng, với người lái và nhất là với người dân vô tình gặp phải những chiếc xe “điên” thì không chỉ là điều tồi tệ, mà còn là sự kinh hãi.
Theo An Ninh Thủ Đô