Cuối Hạ là xã thuộc huyện Kim Bôi, 98% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Đến cuối năm 2023, xã còn 16,4% hộ nghèo. Trong điều kiện đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức thành viên tăng cường huy động cả nguồn lực để hỗ trợ, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Mới đây, gia đình ông Quách Công Thanh, ở xóm Má Mư, xã Cuối Hạ, được hỗ trợ sửa chữa nhà đại đoàn kết trị giá 20 triệu đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ không quá to lớn nhưng thể hiện sự quan tâm của cộng đồng, là nguồn động viên để gia đình ông Thanh tập trung và cố gắng hơn nữa giải quyết khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.
Các tổ chức đoàn, hội tại xã Cuối Hạ không đứng ngoài cuộc trong mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững. Sáu tháng đầu năm 2024, xã tiếp nhận và triển khai mô hình nuôi trâu sinh sản từ Hội Nông dân. 300 triệu đồng được hỗ trợ cho 30 hộ gia đình vay để thực hiện mô hình. Trong khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ hỗ trợ hội viên nghèo xóm Vọ làm nền nhà, cùng đóng góp 26 ngày công lao động.
Hội Chữ thập đỏ xã vận động được 150 suất quà tặng hộ nghèo, nạn nhân chất độc hoá học; kết nối, tiếp nhận từ các câu lạc bộ hoạt động từ thiện số tiền 70 triệu đồng, tiếp nhận từ Hội Chữ thập đỏ huyện 20 triệu đồng để hỗ trợ bà Bùi Thị Tứ, xóm Má Mư xây dựng nhà ở. Các hội, đoàn thể khác cũng có những hoạt động cụ thể, thiết thực động viên, khích lệ hộ hội viên nghèo có động lực và quyết tâm vươn lên.
Không chỉ ở xã Cuối Hạ, năm 2024, các địa phương khác tại huyện Kim Bôi và các đơn vị, ban ngành đang nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch và nhà vệ sinh, nhà ở,...).
Năm 2024, tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Kim Bôi là hơn 17,7 tỷ đồng. Huyện phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,28% (cuối năm 2023) xuống còn 8,9% (cuối năm 2024), là bước đà để đưa tỷ lệ hộ nghèo về 7,4% vào cuối năm 2025; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2025 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2021.
6 tháng đầu năm 2024, việc triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án, các hoạt động của chương trình đã góp phần tạo việc làm mới cho người lao động. Bên cạnh đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thực hiện dự án đã có thêm kinh nghiệm, tăng thu nhập, từ đó thoát nghèo bền vững.
Dù đã đạt một số kết quả, lãnh đạo huyện Kim Bôi nhận định kết quả giảm nghèo của huyện chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Nghèo đói tập trung chủ yếu ở những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 25% (xã Đú Sáng, Nuông Dăm); tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo trong giai đoạn 2021-2025 bình quân 1,5%/năm (295 hộ) so với tổng số hộ thoát nghèo khoảng 17,5%/năm (3.719 hộ).
Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo của huyện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 còn cao so với mặt bằng mặt bằng chung của tỉnh (12,28%).
Đơn cử, về chiều thiếu hụt nhà ở, huyện còn 502 hộ gia đình chưa có nhà hoặc sống trong nhà đơn sơ, ở nhà tạm, dột nát cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, 1.723 hộ sống trong ngôi nhà, căn nhà chưa đủ diện tích bình quân 8m2/người. Trên 586 hộ chưa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; có 2.691 hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Để đạt kế hoạch, chỉ tiêu giao, huyện Kim Bôi tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia vào chương trình giảm nghèo; Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của Chính phủ...