-  "Phải chỉ đạo sát sao, nắm chắc tình hình, tập trung khắc phục xử lý những khó khăn vướng mắc, hạn chế, nhất là tư tưởng cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ. Càng gần đại hội thì càng tăng cường kỷ cương trách nhiệm, vai trò quản lý ở các cơ quan chính quyền, không vì tiến tới đại hội mà ngại, né tránh công việc".

Yêu cầu này được Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đưa ra tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP sáng nay.

Tổ chức đại hội không phải phô trương, lãng phí

Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp được tiến hành đúng quy trình, quy định theo các văn bản, hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy.

Đến ngày 31/3, đã có 13.874/17.798 chi bộ, đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng bộ cơ sở hoàn thành việc tổ chức đại hội; đã có 74/89 chi bộ, đảng bộ tổ chức đại hội điểm.

{keywords}
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Công tác nhân sự cấp ủy cơ bản được chuẩn bị chu đáo, tiến hành đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình, phát huy dân chủ.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.

Ông cũng cho biết, báo cáo chính trị đại hội Đảng bộ của TP đang được hoàn thiện lần 2 để chuẩn bị hội nghị xin ý kiến các nguyên lãnh đạo TP, các giới, ngành theo quy định với mong muốn tiếp thu sâu rộng các ý kiến.

"Trước khi công bố công khai trên báo chí, toàn Đảng toàn dân, không chỉ Đảng bộ Hà Nội mà những ai quan tâm trên khắp cả nước gửi ý kiến TP cũng hết sức hoan nghênh", Bí thư bày tỏ.

Việc chuẩn bị chu đáo kinh phí và điều kiện cần thiết để tổ chức đại hội phải thiết thực, tiết kiệm hiệu quả chứ không phải phô trương, lãng phí.

Bỏ tư tưởng cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ

Tuy nhiên, Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế. Ông lấy ví dụ một số nơi tổ chức đại hội điểm vừa rồi, có biểu hiện cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ, vận động, tác động cho các nhân sự dự kiến giới thiệu vào Ban chấp hành.

"Để xảy ra việc ấy nhất định là cấp chỉ đạo, trực tiếp cấp trên có khuyết điểm, ít nhất là nắm tình hình không sâu sát, không có những biện pháp chỉ đạo đúng mức. Nếu lựa chọn nhân sự để bầu không trúng thì trách nhiệm càng rõ. Nếu nhân sự xứng đáng là không trúng, đại hội người ta sáng suốt, sát cơ sở, mà mình cứ đi giới thiệu, dự kiến người đó thì mình là quan liêu. Còn nếu nhân sự ấy là tốt, là xứng đáng mà lại bầu không trúng là các đồng chí không định hướng, không lãnh đạo được", ông Nghị nhấn mạnh.

Cho rằng tình hình như vậy tuy ít nhưng ông cũng yêu cầu lãnh đạo các cấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Phải chỉ đạo sát sao, nắm chắc tình hình, tập trung khắc phục xử lý những khó khăn vướng mắc, hạn chế, nhất là tư tưởng cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ.

Theo ông, cách tác động, vận động bây giờ có nhiều kiểu, không chỉ là đơn thư.

"Việc đến giờ phút này chưa nhận được đơn thư cũng chưa phải là nhân tố đảm bảo an toàn tuyệt đối đâu. Trước đại hội người ta nhắn tin cho một loạt, chả cần phải đơn thư gì, đơn thư chỉ gửi được mấy cái tới lãnh đạo thôi, chứ nhắn tin là khắp đấy. Cho nên việc nắm chắc tình hình là quan trọng.

Không ít nơi có trường hợp lấy phiếu thăm dò thì tập trung người này nhưng lúc bầu thật thì ra người kia nếu chúng ta nắm không sát, không chắc, chỉ đạo không tốt".

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các cấp lãnh đạo cần hết sức tỉ mỉ, sâu sát, trách nhiệm.

"Càng gần đại hội thì càng tăng cường kỷ cương trách nhiệm, vai trò quản lý ở các cơ quan chính quyền, không vì tiến tới đại hội mà ngại, né tránh công việc", ông yêu cầu.

Hồng Nhì