Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 168/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi đến năm 2045.

Theo quy hoạch điều chỉnh, Khu kinh tế Dung Quất rộng hơn 45.000ha. Trong đó, diện tích đất liền hơn 33.500ha, đảo Lý Sơn gần 1.500ha và diện tích mặt nước khoảng 10.700ha.

Quy hoạch hệ thống giao thông như cảng, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistic, có diện tích khoảng 608 ha, trong đó khu bến Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hòa - Tịnh Kỳ, Lý Sơn, diện tích khoảng 300 ha; sân bay Lý Sơn khoảng 153 ha; trung tâm dịch vụ hầu cần cảng, logistics, diện tích khoảng 155 ha.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế Dung Quất phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.

Ảnh minh họa

Về định hướng phát triển, cơ cấu phân khu chức năng toàn khu kinh tế được chia làm 05 phân khu chức năng chính, gồm: (1) Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; (2) Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; (3) Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; (4) Phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất; (5) Phân khu đô thị Lý Sơn.

Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 là cần thiết, tháo gỡ kịp thời các nút thắt, tồn tại hạn chế của khu kinh tế trong thời kỳ vừa qua, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới.

Điều chỉnh quy hoạch là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa các chiến lược phát triển của quốc gia, của vùng. Thúc đẩy các nhà đầu tư định hướng tầm nhìn các lĩnh vực để đầu tư vào Dung Quất từ công nghiệp đến đô thị, du lịch, dịch vụ, cảng biển…

Đồng thời, thúc đẩy phát triển lĩnh vực phụ trợ cho ngành công nghiệp luyện, cán thép; chuỗi dự án sản xuất các sản phẩm sau thép, cơ khí chế tạo, gia công hàng xuất khẩu; các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Và nhắm đến thu hút dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường cho mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội...

Năm nay Quảng Ngãi đã đề ra một số giải pháp, định hướng: hoàn thiện các thủ tục cuối cùng của Đồ án, Quy hoạch, kịp thời trình cấp thẩm quyền phê duyệt đúng tiến độ; thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho 13 dự án; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi cho 11 dự án; cấp giấy phép xây dựng cho 23 dự án; cấp giấy phép điều chỉnh, bổ sung cho 3 dự án.

Về chiến lược thu hút đầu tư, tỉnh hướng đến chất lượng dự án, ưu tiên thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan; chú trọng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư từ Mỹ và các nước Liên minh châu Âu. Song song đó, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tăng cường xúc tiến đầu tư “tại chỗ” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư.

Để tăng sức hút đầu tư cho Quảng Ngãi, "các cấp ngành đổi mới và triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác thu hút đầu tư, tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng theo danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; kịp thời tháo gỡ khó khăn, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dịch vụ công; rà soát, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ", Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi chỉ đạo.

Phạm Duy Linh, Nguyễn Hồng Hạnh, Vũ Việt Bảo Phùng