Việt Nam với nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế biển. Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, xác định đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thu hút nhiều dự án lớn
Theo TS. Lê Văn Hùng - Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đến năm 2023, Việt Nam đã có tổng cộng 18 kinh tế (KKT) ven biển được thành lập xây dựng. Các KKT ven biển phần lớn tập trung ở khu vực duyên hải miền Trung (11 khu), khu vực phía Bắc có 4 khu và khu vực phía Nam có 3 khu (chưa kể KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định đã được bổ sung đưa vào quy hoạch phát triển các KKT ven biển của Việt Nam).
Các KKT ven biển phần lớn đều có diện tích quy hoạch rất lớn, như KKT Vân Phong có diện tích 150.000ha, KKT Nghi Sơn sau khi điều chỉnh là 106.000ha, KKT Phú Quốc gần 60.000ha, KKT Vân Đồn hơn 55.000ha.
TS. Lê Văn Hùng cho biết, việc hoạch diện tích lớn có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, tổng thể trong dài hạn. Giúp các KKT ven biển không chỉ đơn thuần là những nơi phục vụ sản xuất kinh doanh mà các khu này có thể trở thành các đô thị mới tạo môi trường thuận lợi cho người lao động và dân cư sinh sống.
Về thu hút vốn đầu tư, trong khoảng 20 năm kể từ khi được ra đời, các KKT ven biển đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tính đến năm 2021, đã có 506 dự án nước ngoài đầu tư và 1648 dự án đầu tư trong nước thu hút vào các KKT ven biển. Trong đó, KKT ben biển Đình Vũ – Cát Hải thu hút được số dự án vào đầu tư lớn nhất với 205 dự án vốn đầu tư nước ngoài, 105 dự án đầu tư trong nước; KKT Nghi Sơn thu hút 19 dự án nước ngoài và 233 dự án trong nước; KKT Dung Quất thu hút 49 dự án nước ngoài và 195 dự án trong nước.
Các KKT ven biển đã thu hút được khoảng 49 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 1.245,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ các đự án trong nước.
“Nhờ thu hút các dự án lớn đầu tư, các KKT ven biển nhanh chóng trở thành đầu tàu trong đóng góp vào nguồn thu ngân sách của các tỉnh/thành phố. Hiện tại, nhiều KKT ven biển đóng góp phần lớn vào nguồn thu ngân sách của các tỉnh như KKT Dung Quất đóng góp tới 80% tổng thu ngân sách của tỉnh, KKT Chu Lai đóng góp 65%, KKT Nghi Sơn đóng góp 61,3%, KKT Vũng Áng đóng góp 56%, KKT Phú Quốc chiếm 43,2%. Tạo việc làm lớn cho người lao động.
Đối với những tỉnh khó khăn, đây là nguồn ngân sách quan trọng giúp các địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đối với những địa phương này, KKT ven biển đang thực sự là cực tăng trưởng quan trọng nhất đối với phát triển công nghiệp và thu ngân sách địa phương…”, TS. Lê Văn Hùng đánh giá.
Theo vị này, các KKT ven biển đã bắt đầu hình thành một số cụm liên kết ngành như ở KKT Chu Lai về sản xuất và lắp ráp ô tô, về du lịch ở Phú Quốc, cụm hóa lọc dầu ở KKT Dung Quất, Nghi Sơn…
Đóng góp lớn tới phát triển kinh tế của địa phương
TS. Lê Văn Hùng nhìn nhận, khu kinh tế ven biển bước đầu đã có những đóng góp tích cực đối với quá trình phát triển đối với các địa phương, nhất là quá trình thúc đẩy phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu để dần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Những đóng góp tích cực có thể kể đến như một số KKT ven biển đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về phát triển kinh tế cho các tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư, đóng góp vào giá trị công nghiệp, giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước, cải thiện năng suất của người lao động. Nhiều khu KKT ven biển thực sự trợ thành trụ cột và có đóng góp lớn tới phát triển kinh tế của địa phương như KKT Nghi Sơn, Đình Vũ - Cát Hải, Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất, Phú Quốc.
Nhờ hình thành xây dựng các KKT ven biển, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở các địa phương dần được đầu tư hoàn thiện. Một số KKT ven biển đã có sự chuyển biển rõ rệt về giao thông kết nối, hệ thống cảng và dịch vụ hậu cần cảng biển, sân bay, các KCN, cơ sở đào tạo, dịch vụ y tế nhờ cả vốn đầu tư từ ngân sách và huy động từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Văn Hùng bên cạnh những kết quả tích cực, các KKT ven biển cũng bộc lộ một số những điểm hạn chế như chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư có chất lượng, có đủ năng lực tạo ra các sản phẩm có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, các doanh nghiệp thu hút chưa tạo ra tác động lan tỏa lớn về phát triển cụm ngành, các ngành hỗ trợ để tạo ra sự chuyên môn hóa trong phát triển. Do đó, liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khu, giữa doanh nghiệp FDI và khu vực nội địa, giữa doanh nghiệp trong khu và ngoài khu còn rất hạn chế…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn thu hút vào các KKT ven biển hiện chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng tài nguyên và tiêu tốn năng lượng (như lọc hóa dầu, thép, nhiệt điện, hóa chất, xi măng, vật liệu xây dựng) nên những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường là khó tránh khỏi, đặc biệt là những tác động tới môi trường sinh thái trong dài hạn.
Ngoài ra, quá trình xây dựng, hoạt động kinh doanh công tác quản lý bảo vệ môi trường sinh thái vẫn chưa thực sự được kiểm soát, bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiều KKT ven biển vẫn thiếu khu xử lý nước thải tập trung, thiếu khu thu gom chất thải nguy hại, rác thải.
Để thúc đẩy các KKT ven biển thực sự trở thành các động lực phát triển của địa phương và vùng, TS. Lê Văn Hùng đưa ra đề xuất, Việt Nam nên nghiên cứu nhằm có những chính sách trọng tâm thí điểm tạo môi trường phát triển từ 2 đến 3 cụm khu KKT ven biển theo vùng. Khi đó, nguồn lực mới thực sự được tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và các công cụ bảo vệ, phục hồi môi trường sinh thái để tạo ra những KKT ven biển thực sự bền vững.
Đồng thời, các KKT ven biển cần thí điểm thực hiện một số mô hình phát triển như khu công viên công nghiệp xanh, khu hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa/tập trung vào một nhóm ngành/lĩnh vực cụ thể.
Hồ Giáp