Lom khom dưới bóng những khu nhà chọc trời của quận Gangnam giàu có, bà Kim Bok-Ja, 75 tuổi kéo chiếc xe đẩy chất đầy bìa các-tông đi qua những căn nhà lụp xụp tại một trong những thành phố phát triển nhất châu Á.
TIN BÀI KHÁC:
Căng thẳng Mỹ - Nhật bùng phát do đâu?
Tổng thống Myanmar hết sợ báo giới
Tại một xưởng tái chế địa phương, bà Kim nhoẻn miệng cười khi đếm những đồng xu còm cõi sau khi bán đống bìa vụn mà bà đã mất cả ngày thu lượm được.
"Đây là tất cả những gì tôi có thể làm để sống sót, có lẽ cho tới lúc tôi chết bởi vì tôi sống một mình và không có lương," bà nói.
Nhà bà Kim ở Guryong - một khu ổ chuột lộn xộn và bẩn thỉu xuất hiện từ năm 1988 sau khi những người nhập cư bất hợp pháp bị đuổi ra khỏi Seoul xinh đẹp khi thủ đô của xứ sở kim chi đăng cai Thế vận hội.
Gần 25 năm sau, Guryong, đã có hơn 2.000 cư dân tới định cư và sống với mức nghèo khổ của thế giới thứ ba, nơi không có hoặc có rất ít hệ thống vệ sinh phù hợp.
Guryong khác xa so với khu Gangnam giàu có, hào nhoáng bên cạnh - nơi những hiệu quần áo sang trọng và các câu lạc bộ đêm trở nên nổi tiếng nhờ PSY với bài hát "Gangnam Style" nổi tiếng toàn cầu.
Các lái xe taxi rất khó khăn trong việc định vị Guryong, mặc dù nó chỉ cách Gangnam 6 làn đường cao tốc và nằm trong diện tích khoảng 30 ha.
"Ngôi làng của chúng tôi là khu ổ chuộc lớn nhất Seoul nhưng nó không xuất hiện trên bất cứ tấm bản đồ nào," Lee In, 59 tuổi, phó chủ tịch hội đồng cư dân Guryong cho hay.
Phần lớn cư dân ở đây là các cụ già 70, 80 tuổi sống một mình và hầu hết họ không nhận được bất cứ nguồn trợ cấp nào từ chính phủ.
"Nhiều người phải làm những công việc nặng nhọc hoặc việc vặt để kiếm sống," ông Lee nói.
Một trong những điểm nổi bật của Guryong là số lượng cây thánh giá bằng gỗ có thể nhìn thấy trên những mái nhà lụp xụp, đánh dấu hàng chục nhà thờ xiêu vẹo phục vụ cho cộng đồng dân cư tại đây.
Mỗi tấc đất trống ở Guryong đều được biến thành những mảnh vườn nhỏ, nơi các cư dân trồng rau để phục vụ bữa ăn hàng ngày cho mình.
Các căn hộ ở Guryong đều là công trình xây dựng trái phép và hầu như không có hệ thống cung cấp gas, điện, vì thế những than bánh được sử dụng làm nguồn sưởi ấm chủ yếu giúp các cư dân ở đây chống chọi qua mùa đông lạnh giá của Seoul.
Một ngọn lửa vào hồi tháng Một đã lan qua những ngôi nhà ghép bằng gỗ dán mỏng manh, thiêu rụi hàng chục túp lều trong khi những trận lũ gây ra bởi mưa lớn vào tháng Bảy năm ngoái đã phá hủy phần lớn ngôi làng.
Lợi ích duy nhất của việc sống trong những ngôi nhà như vậy là dễ dàng thay thế và sửa chữa.
"Nếu căn nhà bị đổ vào ban ngày, chúng tôi có thể dựng lại nó vào ban đêm," Kim Mi-Ran, 54 tuổi, cư dân ở Guryong nói.
Sự trớ trêu của Guryong - và cũng có thể là nguyên nhân chính khiến khu ổ chuột này biến mất - đó là nó đang nằm trên khu đất mà các nhà phát triển từ lâu đã thèm muốn.
Đất là thuộc sở hữu tư nhân nhưng những người chiếm dụng bất hợp pháp đã ở lâu tới nỗi họ đã giành được điểm tựa hợp pháp từ quyết định của chính quyền thành phố cho phép họ có thẻ cư trú tạm thời vào năm ngoái.
Đầu năm nay, một nhà phát triển tư nhân đã đưa ra một kế hoạch xây dựng những căn hộ cho thuê giá rẻ dành cho cư dân Guryong và quy hoạch khu đất mà họ bỏ trống.
Các nhà chức trách Seoul cũng có một bản dự thảo tương tự nhưng cả hai lời đề nghị trên đều bị từ chối.
"Chúng tôi không tin các nhà chính trị những người hứa hẹn và không bao giờ biến lời nói của họ thành hành động," Kim Mi-Ran nói.
Cưỡng ép trục xuất là một khả năng rõ ràng nhưng các nhà chức trách rất thận trọng về việc sử dụng các biện pháp quá khích.
Park Won-Soon, một nhà hoạt động tự do lâu năm, người được bầu làm thị trưởng Seoul vào tháng 10 năm ngoái, đã nhấn mạnh bất kỳ biện pháp nào áp dụng tại Guryong phải phù hợp với ý kiến và nguyện vọng của người dân ở đó.
Đối với Kim Kyo-Seong, một chuyên gia tại Đại học Chung-Ang, Guryong là hiện thân của tất cả những gì đang đi sai lệch với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Hàn Quốc.
"Đó là một biểu tượng bất bình đẳng mạnh mẽ trong xã hội chúng ta," Kim nói, đồng thời trích dẫn khoảng cách thu nhập, sự thiếu hụt các biện pháp hỗ trợ đối với người cao tuổi và tình trạng tách biệt của những người bị vòng xoáy công nghiệp hóa Hàn Quốc bỏ rơi.
Sầm Hoa (Theo Asia1)