Nhà tập thể trước những năm 1980 là mơ ước của biết bao người dân Thủ đô nhưng đã biến thành những khu “chuồng cọp” mất mỹ quan, thậm chí biến dạng, sụt lún gây nguy hiểm.
Một số khu tập thể bị phá bỏ xây mới, như khu Giảng Võ, Kim Liên. Nhưng theo nhà nghiên cứu kiến trúc Emmanuel Cerise (Pháp), những tòa nhà mới cao hơn đã phá vỡ quy hoạch và là bước lùi của kiến trúc.
Ý kiến của nhà nghiên cứu có 20 năm sống ở Hà Nội được chia sẻ tại buổi nói chuyện nhân triển lãm Thay hình đổi mặt của Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế. Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp đến 5/11 dựng lại bộ mặt hiện tại của những khu tập thể tiêu biểu của Hà Nội bằng phù điêu ảnh.
Công chúng có tìm thấy vẻ đẹp của các khu tập thể Hà Nội qua triển lãm “Thay hình đổi mặt”? |
Nhiều chi tiết tiền cảnh trong các bức ảnh được cắt rời ra và đính chồng lên ảnh gốc để tạo cảm giác ba chiều. Kỳ thực chỉ cần chụp ảnh hai chiều sắc nét và phóng to lên đã đủ thấy bề ngoài các khu tập thể của Hà Nội rất thú vị ở góc độ thị giác. Bề mặt nhàm chán của những tòa nhà cũ kỹ được đắp lên những hình khối vuông làm từ bê-tông và kim loại đủ kích cỡ mà cư dân tập thể tự trào gọi là “chuồng cọp”.
Chúng xuất hiện một cách ngẫu hứng ở đủ mọi vị trí lơ lửng trên cao khiến cho các tòa nhà bỗng dưng khoác lên mình phong cách kiến trúc hậu hiện đại (!) Bên cạnh các tác phẩm phù điêu ảnh, Trần Hậu Yên Thế đặt bản vẽ gốc của tòa nhà cho mọi người hình dung diện mạo nó đã được phóng tác tới mức nào.
...
“Từ bề ngoài có phần hơi khắc khổ, sau 20 năm cơi nới, lắp ghép, các khu tập thể Hà Nội đã trở thành không gian đặc thù, đa dạng. Một phần do những sai lầm khi quy hoạch ban đầu không đáp ứng được nhu cầu cho người dân. Với tôi những chiếc lồng được lắp thêm vào không mang tính tiêu cực. Chẳng qua cũng như người què cụt cần lắp chân tay giả”. Nhà nghiên cứu Emmanuel Cerise (Pháp) |
Các tác giả của Thay hình đổi mặt không định phê phán cũng không ca ngợi nhà tập thể Hà Nội mà bằng triển lãm này họ muốn đánh động công chúng - “đã thực sự trông thấy, nhìn ngắm và chiêm nghiệm về nhà tập thể trước khi nó sẽ chỉ còn là ký ức chưa”?
Trong quá trình nghiên cứu, Trần Hậu Yên Thế nhận thấy tư liệu về biệt thự Pháp ở Hà Nội khá nhiều và được lưu trữ cẩn thận trong khi hầu như vắng bóng những khu tập thể là thành tựu phát triển hiện đại hóa, thể hiện chế độ phúc lợi xã hội (nhà nước lo cho dân chỗ ở) kể từ những năm 1960. Công nghệ xây dựng những khu nhà tập thể kèm công trình công cộng (trường học, bệnh viện, nhà văn hóa…) được du nhập từ Liên Xô (cũ) và sau đó ảnh hưởng phong cách của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Những khu đô thị cao cấp hiện nay vẫn theo mô hình này.
TS Đinh Hồng Hải cho hay, khu tập thể Bách khoa khi mới xây dựng thì những căn hộ cao nhất dành cho các giáo sư, nhà cấp 4 chỉ dành cho người lao động chân tay.
Theo ông Thế, trước Đổi Mới, nhà tập thể đồng nghĩa với nơi ở lý tưởng, văn minh, quy củ, sáng sủa, sạch sẽ... Sau mốc 1986, quá tải cư dân khiến người ta phải bung ra cơi nới, trong khi không còn chế độ bao cấp chỗ ở, khiến các khu tập thể trở nên dị biệt, lạc hậu, lộn xộn...
Cả hai tác giả đều từng ở tập thể. Sau khi mở đường, khu nhà của Nguyễn Thế Sơn chòi ra mặt đường. Các căn hộ tầng một trở thành các điểm kinh doanh, chủ yếu là quán nhậu. Tiếng ồn, khói và mùi hành hạ các cư dân tầng trên. Được biết có trường hợp người già đột quỵ cũng một phần do suốt ngày phải đóng kín cửa để tránh khói bụi từ tầng dưới bốc lên.
Trước những hệ lụy do nhà tập thể (biến dạng) gây ra, việc phá bỏ chúng tưởng chừng chỉ là vấn đề thời gian. Đã có những khu nhà 5 tầng ở Kim Liên, Giảng Võ biến mất, thay vào các tòa nhà cao hơn tới mấy lần, dáng vẻ sành điệu hơn.
Tuy nhiên, Emmanuel Cerise coi việc xây mới này là bài học đáng tiếc về quy hoạch: “Các khu nhà xây mới này thiếu không gian, thiếu cửa sổ. Do mật độ xây dựng cao hơn trước nên những con đường nội bộ trở nên chật hẹp.
Tôi đánh giá đây là sự bần cùng hóa về chất lượng kiến trúc, kém hơn hẳn so với các khu tập thể nguyên bản của những thập kỷ trước”. Ông cũng nhấn mạnh, các khu tập thể còn tồn tại đến ngày nay là một loại “di sản sống không được xếp hạng” và đề xuất nên biến một số khu thành bảo tàng.
Lưu ý cơi nới nhà tập thể là “đặc sản” riêng có của Hà Nội. Trong khi ở TPHCM, mô hình tương tự là các “cư xá” không có hiện tượng này. Rõ ràng tập thể Hà Nội là bằng chứng phản ánh tinh thần sáng tạo, khả năng thích nghi của nhiều thế hệ cư dân gắn bó với nơi đây.
(Theo Tiền phong)