Khu vườn bằng đất sét

Những ngày qua, bộ sản phẩm Khu vườn miền Tây làm từ đất sét của chị Lê Thị Thanh Phượng (SN 1987, Bình Dương) khiến cộng đồng mạng thích thú. Bộ sản phẩm gồm: xoài, măng cụt, ổi, na, đu đủ, mận, giàn khổ qua, bụi chuối, gốc cà chua… đã thu hút hơn 16.000 lượt xem và hàng nghìn bình luận, chia sẻ.

Mọi người đều trầm trồ, thán phục và tò mò về nghệ thuật tạo hình độc đáo, mới lạ tại Việt Nam này.

Các loại trái cây đặc trưng của Việt Nam được chị Phượng thu nhỏ trông sống động và giống như thật.

Chị Phượng tạo ra các sản phẩm sống động và đẹp mắt trên bằng Miniature art (nghệ thuật thu nhỏ - PV). Năm 2018, do mê mẩn những đóa hoa đất sét thật đến khó tin, chị Phượng tự mày mò học nặn hoa từ đất sét thông qua internet.

Khi bắt đầu quen tay, có những sản phẩm được đánh giá cao thì chị mang thai nên đành tạm gác lại đam mê. Dẫu vậy, chị vẫn lặng lẽ quan sát, theo dõi bạn bè trong giới chơi đất sét.

Chị kể: “Cuối năm 2022, tôi quay lại với thú vui làm hoa đất sét. Thế nhưng, tôi thấy hoa đất rất khó bảo quản lại dễ bị bám bụi, hỏng khi vận chuyển. Tôi trăn trở việc làm thế nào để bảo quản các sản phẩm mình tạo ra một cách tốt hơn.

Sau trái cây, chị thu nhỏ các loại rau củ với độ phức tạp cao nhưng vẫn đảm bảo giống thật đến khó tin.

Cuối cùng, tôi nghĩ đến việc thu nhỏ các sản phẩm lại, cho vào mô hình, khung tranh để bảo quản chúng được lâu hơn, vận chuyển dễ dàng hơn. Đầu năm 2023, tôi đến với nghệ thuật Miniature”.

Nghệ thuật thu nhỏ hiện chưa phổ biến tại Việt Nam nên lúc đầu chị phải tự mày mò, tìm hiểu trên mạng. Chị tìm những video hướng dẫn của các nghệ nhân nước ngoài để học hỏi.

Tuy nhiên, nghệ nhân nước ngoài chủ yếu chế tác các mẫu hoa, trái cây đặc trưng của nước họ. Chị Phượng chỉ tham khảo, học hỏi cách làm rồi tự tìm công thức riêng để thực hiện sản phẩm đặc trưng của Việt Nam.

Khi nắm vững kỹ thuật cơ bản, chị tìm, nhập nhiều loại đất sét hiếm gặp tại thị trường trong nước về trải nghiệm và rút ra kinh nghiệm cho mình. Cuối cùng, chị thu nhỏ thành công những loại rau củ đặc trưng của Việt Nam theo tỉ lệ 1/12 bằng đất sét.

Bộ sản phẩm Khu vườn trái cây miền Tây khiến cộng đồng mạng thích thú vì trông như thật.

Các sản phẩm của chị đều tinh xảo, có màu sắc sống động, trông như thật. Trong số này phải kể đến bộ sản phẩm Khu vườn trái cây miền Tây bằng đất sét gây sốt cộng đồng mạng những ngày qua.

Với bộ sản phẩm này, trong không gian chưa đầy 30cm, chị Thanh Phượng giới thiệu khu vườn ngập tràn hoa trái như: đu đủ, xoài, ổi, măng cụt, cam, chuối…

Các loại trái cây này được bài trí, xếp đặt trên những kệ nằm phía trước, bên cạnh ngôi nhà lá siêu mini. Cách ngôi nhà không xa là bụi chuối, giàn khổ qua, vườn bạc hà, gốc cà chua… Khung cảnh đậm nét miệt vườn miền Tây.

Chị Phượng mất rất nhiều thời gian để lên ý tưởng và thực hiện các sản phẩm tinh xảo này.

Đem lại niềm vui lớn

Để tạo ra tác phẩm thu nhỏ đẹp, sống động, có hồn không hề dễ dàng. Ngoài việc phải bỏ nhiều thời gian, kiên trì làm tỉ mỉ từng chi tiết, người theo nghệ thuật này còn phải yêu thiên nhiên và có óc sáng tạo.

Chị Phượng nói: “Điều quan trọng nhất của nghệ thuật Miniature là phải quan sát thật kỹ từng chi tiết và hiểu rõ tính chất của sản phẩm mình sẽ thực hiện. Chúng ta cũng phải yêu thiên nhiên để cảm nhận, thấy được nét đẹp của thiên nhiên trên các sản phẩm mình muốn thu nhỏ.

Chị tâm đắc với bụi chuối mặc dù còn sót lỗi là cây chuối đã trổ buồng nhưng có lá non.

Ví dụ, khi thu nhỏ cây chuối bằng đất sét, tôi nhiều lần ra bụi chuối trong vườn nhà và đứng quan sát thật lâu. Tôi rất tâm đắc với sản phẩm này vì khi làm xong, tôi thấy nó rất giống bụi chuối mà mình trồng được trước đó”.

Dẫu vậy, đây không phải là sản phẩm khó khăn, yêu cầu kỹ thuật cao nhất trong bộ Khu vườn trái cây miền Tây. Sản phẩm khiến chị căng thẳng nhất là giàn khổ qua. Bởi, gân trên quả khổ qua không theo bất kỳ quy luật nào.

Do đó, chị Phượng gần như không thể tái hiện chúng bằng tay. Để các trái khổ qua tí hon bằng đất sét của mình trông như thật, chị phải sử dụng đến kỹ thuật lấy gân từ quả thật. Sau đó, từ những đường gân này, chị tạo ra quả giả.

Giàn khổ qua, một trong những tác phẩm thu nhỏ yêu cầu sự tỉ mỉ và kỹ thuật rất cao của chị Phượng.

“Nhưng việc tìm được trái khổ qua thật có kích thước siêu tí hon như vậy để lấy vân cũng rất khó. Tôi phải canh giàn khổ qua thật vừa ra trái, đã có đường gân nhưng chưa kịp lớn để lấy gân”, chị kể.

Để hoàn hiện một sản phẩm thu nhỏ, chị Phượng mất rất nhiều thời gian, công sức. Tùy theo độ phức tạp, chị có thể mất vài giờ thậm chí cả tuần để hoàn tất một sản phẩm.

Tuy vậy, chị cảm thấy thú chơi này đem lại cho mình niềm vui rất lớn. Sau mỗi sản phẩm thành công, chị như quên hết mệt mỏi, khó khăn.

Dù mất nhiều thời gian nhưng chị Phượng cảm thấy nghệ thuật Miniature mang lại cho mình niềm vui lớn trong cuộc sống.

Chị chia sẻ: “Khi đối mặt và vượt qua những sản phẩm thu nhỏ tưởng chừng như không thể thực hiện, tôi có cảm giác như mình vượt qua một thử thách mới trong đời.

Thú vui này cũng thôi thúc tôi luôn suy nghĩ, sáng tạo, tìm cách tái chế những vật dụng tưởng chừng như bỏ đi. Tôi cũng tìm được thu nhập từ thú vui này. Việc có được thu nhập từ đam mê của mình khiến tôi rất hạnh phúc”.

*Ảnh nhân vật cung cấp