Bên cạnh hiệu quả giúp đời sống của hộ nghèo được ổn định hơn, tăng mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo.
Tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), đầu năm 2024, địa phương còn 384 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,81%) và 1.203 hộ cận nghèo (2,53%). Đây là minh chứng cho sự nỗ lực lớn từ nguồn lực Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt, không thể thiếu ý chí vươn lên của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long này.
Sự trợ lực từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các mô hình, dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đang ngày càng chứng minh tính hiệu quả.
Thêm niềm hi vọng
Thực hiện dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thành phố đã tổ chức, xây dựng 8 dự án cho 76 hộ tham gia (7 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo, 16 hộ thoát nghèo). Thực tế, gần 7% hộ tham gia đã thoát nghèo đa chiều, bởi dự án góp phần tạo nguồn vốn sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Năm 2024, dự án được giải ngân tại 5 xã/phường, gồm: Phường 2, 11 và 3 Hoà An, Mỹ Trà, Tịnh Thới với 28 hộ tham gia phương án sản xuất, mua bán. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã hướng dẫn UBND xã Mỹ Ngãi hoàn chỉnh hồ sơ dự án có 16 hộ tham gia, với số tiền hỗ trợ gần 350 triệu đồng.
Các hộ được vay vốn, cần cù lao động mong ngày thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn và địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc xoài.
Hộ anh Ngô Minh Tuấn, ở xã Hoà An, là một trong 28 hộ thụ hưởng dự án năm 2024. Anh nói, gia đình anh được vay vốn để chăm sóc vườn xoài nhà và mua thêm vật nuôi. Gửi lời cảm ơn tới chính quyền, anh hứa sẽ chăm chỉ, vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà An, đánh giá việc hỗ trợ vốn sản xuất cho bà con nghèo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu, mang lại hiệu quả thiết thực. Tới đây, ngoài nguồn lực Nhà nước, địa phương tiếp tục vận động để giúp nhiều bà con được tiếp cận nguồn vốn, giúp công tác giảm nghèo bền vững hơn.
Tại xã Tịnh Thới, gia đình chị Nguyễn Ngọc Tiền (35 tuổi, ở ấp Tịnh Mỹ) là hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ vay vốn Dự án. Nay được chính quyền hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng mua nguyên liệu đan lục bình, chị càng thêm động lực, cố gắng làm việc để có thu nhập ổn định, vượt qua khó khăn, vươn lên.
Không "cho không" khi hỗ trợ
Trước đó, trong năm 2022-2023, 32 hộ thuộc xã Tân Thuận Đông được thụ hưởng dự án. Tuỳ theo từng năm, các hộ tham gia với phương án cải tạo vườn xoài, mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cụ, dụng cụ, nguyên liệu sản xuất...
Đáng nói, thay vì "hỗ trợ cho không", địa phương cũng khuyến khích tinh thần trách nhiệm của các hộ thụ hưởng bằng cách yêu cầu có kinh phí đối ứng khi tham gia dự án. Đơn cử, ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách trên 1 tỷ đồng thực hiện năm 2023, 21 hộ tại xã Tân Thuận Đông đối ứng nguồn vốn hơn 735 triệu đồng. Trong các hộ tham gia dự án, đã có 1 hộ thoát nghèo, 4 hộ thoát cận nghèo.
Bên cạnh hiệu quả giúp đời sống của hộ nghèo được ổn định hơn, tăng mức độ tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, dự án cũng được đánh giá là làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo, hộ cận nghèo về chủ trương giảm nghèo; khơi dậy tinh thần tự lực, chăm chỉ, vươn lên; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động sản xuất, kinh doanh...
Ngoài các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thành phố Cao Lãnh cũng chăm lo đa chiều cho người dân bằng các chính sách thường xuyên, liên tục. Trong đó, 3 năm qua, thành phố cấp 11.850 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền gần 6,7 tỷ đồng; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trên 1.400 học sinh với số tiền gần 950 triệu đồng.
Với phương châm "An cư lạc nghiệp", năm 2024, thành phố phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố vận động kinh phí hỗ trợ xây 80 căn nhà cho cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tổng cộng trong 4 năm (2021-2024), thành phố giúp đỡ xây dựng gần 450 căn nhà đại đoàn kết với tổng số tiền trên 38,8 tỷ đồng.