Diễn đàn "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP và Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội. Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có bài phát biểu về thực trạng, thách thức, và giải pháp phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Theo đó, TS Tuấn đã đưa ra một số khuyến nghị thực hiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các địa phương, khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch.
Tại các địa phương cần xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch; Lựa chọn mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh phù hợp; Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh từ đó có hành động đúng, phù hợp và hiệu quả.
TS Tuấn cũng đưa ra một số biện pháp gợi ý áp dụng cho các khu du lịch, điểm du lịch phát triển tăng trưởng xanh như: nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng khả năng cung cấp năng lượng tái tạo để giảm nhu cầu năng lượng; giảm phát thải do sử dụng năng lượng; nâng cao hiệu quả tiêu thụ điện, nhiên liệu và thay đổi hành vi tiêu dùng của khách du lịch; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Quản lý tài nguyên nước trong hoạt động du lịch cần tăng kinh phí đầu tư, nâng cao hiệu quả nguồn nước nhằm giảm nhu cầu nước trong hoạt động; tăng nguồn cung cấp nước từ các nguồn nước thông thường và hoạt động khử mặn ở các khu, điểm du lịch ven biển.
Với việc quản lý chất thải, bên cạnh các công trình quản lý chất thải được đầu tư của nhà nước, các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch cần dành nguồn lực đầu tư xanh hàng năm, ứng dụng công nghệ xanh, sạch để thu gom, xử lý chất thải và tái sử dụng chất thải.
Cùng với đó là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng của nhân lực du lịch, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nước, quản lý chất thải trong hoạt động du lịch; Áp dụng các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học đối với cả nhân viên và khách du lịch để tiết kiệm tiêu thụ nước, năng lượng và quản lý chất thải tốt hơn. Hoạt động du lịch cũng cần chuyển đổi phương thức vận tải ít các bon hơn, quản lý năng lượng tốt hơn.
Các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, giải trí cần áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng để giảm lượng khí thải các bon tổng thể như nâng cấp các thiết bị sử dụng điện để giảm lượng khí thải các bon; thực hiện các biện pháp thu hứng nguồn nước mưa; Tắt các thiết bị điện khi không cần thiết và tất cả nhân viên, khách du lịch cần thực hiện mọi lúc, mọi nơi; Lắp đặt cảm biến chuyển động trong không gian công cộng để đèn chỉ sáng khi cần thiết; thay bóng đèn công suất cao bằng bóng đèn công suất thấp hơn. Bên cạnh đó là theo dõi, kiểm tra thường xuyên để đảm bảo các bể nước không bị chảy, rò rỉ, sửa chữa kịp thời hệ thống ống nước khi cần thiết để giảm lãng phí. Tái sử dụng, giảm thiểu và tái chế rác; Giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân viên về tầm quan trọng của bảo tồn, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và sử dụng các thực hành bền vững trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Khuyến khích khách du lịch giảm lãng phí nước và chất tẩy rửa bằng cách đề nghị thay khăn và khăn trải giường hai hoặc ba ngày/lần thay vì hàng ngày như hiện nay; sử dụng các hóa chất và chất tẩy rửa không gây hại, phân hủy sinh học; áp dụng các giải pháp sinh thái ở bất cứ nơi nào có thể; không phục vụ ống hút hoặc đế lót ly; trường hợp sử dụng nước đóng chai, chai đã sử dụng được bán cho các nhà máy tái chế.