- Tôi năm nay 26 tuổi. Cách đây 3 năm tôi bị tai nạn giao thông, gãy cột sống và liệt tứ chi, không còn khả năng vận động và chăm sóc bản thân. Hội đồng y tế xã phê chứng nhận khuyết tật của tôi là dạng khuyết tật nghe nhìn thấy, nên hưởng mức trợ cấp là 360.000 đồng/tháng và cộng thêm 180.000 đồng người nuôi. Nhưng tôi để ý thấy một số anh chị trong xã cũng bị cột sống như tôi, nhưng tay chân vẫn vận động được lại được hưởng mức trợ cấp cao hơn, cụ thể 540.000 đồng/tháng và 180.000 đồng người nuôi. Vậy giờ tôi và gia đình muốn được xem xét lại thì phải làm thế nào? Cơ quan nào có thể giám định và xác nhận lại cho tôi?
TIN BÀI KHÁC
Tôi xác định mức độ khuyết tật thế nào (Ảnh minh họa) |
Theo quy định của Luật Người khuyết tật 2010, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Theo đó người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được quy định tại Điều 3 Luật này như sau:
“1. Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
2. Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.”
Bạn có nhu cầu xác định lại mức độ khuyết tật và cấp đổi giấy xác nhận khuyết tật thì tiến hành theo thủ tục quy định tại chương 3 Thông tư liên tịch 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT Quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện như sau:
Bước 1: Khi có nhu cầu, xác định lại mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật nộp hồ sơ theo quy định đến UBND cấp xã nơi người khuyết tật cư trú (khi nộp hồ sơ xuất trình sổ hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong đơn).
Hồ sơ đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật gồm:
1. Đơn đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật và cấp, đổi, cấp lại giấy xác nhận khuyết tật (theo mẫu).
2. Bản sao Giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm:
1. Triệu tập các thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã (gọi tắt là Hội đồng), gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
2. Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo quy định; lập hồ sơ, biên bản kết luận xác định mức độ khuyết tật của người được đánh giá.
Đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực tức trước ngày 01/06/2012, Hội đồng căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật.
Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại UBND cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên đây thì Hội đồng tiến hành xác định mức độ khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật.
Hội đồng cấp giấy giới thiệu và lập danh sách chuyển Hội đồng giám định y khoa thực hiện (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) đối với các trường hợp:
1. Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;
2. Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng;
3. Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.
Bước 3: 05 ngày kể từ ngày có Biên bản kết luận của Hội đồng về mức độ khuyết tật của người khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo hoặc có ý kiến thắc mắc không đồng ý với kết luận của Hội đồng thì Hội đồng tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo hoặc thắc mắc.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc