Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang Quảng Trọng Thao chia sẻ, Kiên Giang có diện tích ngư trường rộng lớn, nhiều thủy sản có giá trị cao. Kinh tế biển là hướng phát triển chủ lực và tỉnh tập trung các nguồn lực, đồng bộ, hiệu quả thúc đẩy phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, bảo đảm môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo, góp phần phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Thực tế, Kiên Giang là một trong số ít các tỉnh thành (của 28 tỉnh, thành ở Việt Nam có biển) vừa có hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú lại vừa có ngư trường rộng lớn và vùng bờ cực tốt cho nuôi biển. Cụ thể, vùng biển Kiên Giang có diện tích tới 63.300 km2, bờ biển dài khoảng 200 km cùng với hơn 140 đảo lớn, trở thành 1 trong số ít các địa phương có những ưu đãi rất lớn được thiên nhiên ban tặng và trở thành niềm mơ ước ít địa phương có được.

nuoi bien 11 thay.jpg
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng kinh tế biển đã chiếm tới 80% GRDP toàn tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Nam Phương

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng kinh tế biển đã chiếm tới 80% GRDP toàn tỉnh Kiên Giang. Nêu ra số liệu trên để thấy, việc Kiên Giang xác định kinh tế biển trở thành xương sống của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, Trong đó Kiên Giang xác định ưu tiên phát triển mạnh các kĩnh vực như: du lịch biển, đảo; khai thác xa bờ, nuôi biển và chế biến hải sản; phát triển các khu kinh tế ven biển… Để phục vụ mục tiêu này, Kiên Giang rất chú trọng đầu tư cho hệ thống giao thông của các địa phương ven biển (đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, cảng cá,...).

Lấy 1 ví dụ để dễ hình dung, Phú Quốc tỉnh Kiên Giang là thành phố đảo duy nhất của Việt Nam. Kiên Giang cũng là tỉnh duy nhất có 2 sân bay dân sự đang hoạt động, là Cảng hàng không Rạch Giá và Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Trong bài viết này xin không lạm bàn các lĩnh vực khác, chỉ xin đề cập đến thế mạnh nuôi biển của địa phương này khi sở hữu tới 200 km đường bờ biển cùng với hơn 140 đảo lớn, nhỏ (tạo thành 05 quần đảo, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc) - những khu vực thuận lợi cho hoạt động nuôi biển gần bờ và xa bờ.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, ngành nuôi trồng thủy sản vùng ven biển của tỉnh phát triển khá nhanh và đa dạng. Diện tích nuôi trồng liên tục gia tăng (năm 2016 có 221.584 ha, đến năm 2020 là 270.590 ha). Riêng diện tích nuôi biển của tỉnh Kiên Giang tính đến tháng 12/2023 này đã đạt khoảng 23.400 ha, sản lượng thu hoạch hơn 83.530 tấn, trong đó, cá biển 3.762 lồng, sản lượng trên 2.920 tấn và nhuyễn thể hơn 80.610 tấn.

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, phạm vi nuôi biển trên địa bàn tỉnh phân chia thành 2 vùng rõ rệt: Vùng hải đảo, bao gồm huyện đảo Kiên Hải, TP Phú Quốc; các xã đảo Tiên Hải và TP Hà Tiên; các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ của huyện Kiên Lương. Khu vực này chủ yếu được bố trí nuôi cá biển chủ yếu theo hình thức lồng bè, với các đối tượng cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng…

Trong khi vùng ven biển/ ven bờ gồm các xã, phường ven biển thuộc các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương, được người dân bố trí nuôi nhuyễn thể, thả giống ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong vuông tôm, dưới tán rừng phòng hộ, với các đối tượng sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh, nghêu…

“Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển 7.500 lồng nuôi biển, trong đó, 1.900 lồng công nghệ cao và nuôi nhuyễn thể 24.000 ha; sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn, trong đó, cá nuôi lồng bè 29.870 tấn, nhuyễn thể 83.660 tấn. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phát triển 14.000 lồng nuôi biển, trong đó, 6.600 lồng công nghệ cao và nuôi nhuyễn thể 25.000 ha; sản lượng nuôi biển đạt 207.190 tấn, trong đó, cá nuôi lồng bè 105.720 tấn, nhuyễn thể 101.470 tấn”, ông Thao cho biết thêm.

Nam Phương