Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian qua tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số; đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả khu dân cư; nâng cao dung lượng kết nối, chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang Võ Minh Trung, xóa vùng lõm sóng di động là chủ trương lớn được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhằm mục tiêu hỗ trợ học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.

Để phủ sóng di động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kết nối, thực hiện chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát lại các vùng lõm sóng để kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh chú trọng, ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông tại khu vực lõm sóng di động, vùng sâu, vùng xa với phương châm điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó. 

Kien Giang=.jpg
Ông Phạm Hoàng Giang (giữa) - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 8, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao) hướng dẫn người dân truy cập mạng internet xem tin tức.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng trên địa bàn tỉnh; đề nghị các doanh nghiệp viễn thông đầu tư hạ tầng để mở rộng kết nối, xóa các điểm trắng sóng, vùng lõm sóng di động để tất cả người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông, tham gia chuyển đổi số và hưởng thụ thành quả chuyển đổi số.

Thông qua việc xóa vùng lõm, vùng trắng sóng di động góp phần thu hẹp khoảng cách số, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Đến nay, hạ tầng viễn thông được phát triển đồng bộ đáp ứng yêu cầu kết nối, thông tin, liên lạc, ứng dụng công nghệ số của người dân, góp phần phát triển xã hội số, kinh tế số, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh.

100% khu dân cư ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia và được phủ sóng mạng thông tin di động, dịch vụ truy cập Internet băng rộng di động. Trong đó, tốc độ truy cập internet băng rộng di động ước 52,6 Mbps, Internet băng rộng cố định 92,3 Mbps. 

Theo thống kê, tỷ lệ dân số trưởng thành của tỉnh sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 80%; tỷ lệ người dùng Internet, nhất là khu vực nông thôn không ngừng tăng.

Đến hết tháng 6-2024, trên địa bàn tỉnh có tổng số thuê bao điện thoại ước hơn 1.965.000 thuê bao; mật độ thuê bao điện thoại đạt 112,2 thuê bao/100 người dân, trong đó thuê bao điện thoại cố định 26.763, thuê bao điện thoại di động 1.939.135.

Tỉnh có tổng số 1.720.858 thuê bao Internet; mật độ thuê bao Internet đạt 98,2 thuê bao/100 người dân, trong đó thuê bao Internet băng rộng cố định 339.420, thuê bao Internet băng rộng di động 1.381.438. 

Toàn tỉnh có hơn 2.600 vị trí các trạm thu phát sóng thông tin di động, có 2.586 vị trí phát sóng mạng di động 4G, 1733 vị trí phát sóng di động 3G.

Một số địa phương đã triển khai thí điểm mô hình lắp đặt, cung cấp wifi miễn phí phục vụ cộng đồng tại các nhà văn hóa, khu sinh hoạt công cộng, khu du lịch.

Hiện tỉnh tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 4G trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh công khai hạ tầng mạng di động 5G, phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại đi động thông minh để phục vụ quá trình chuyển đổi số. 

Năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang phối hợp rà soát kế hoạch phát triển mạng lưới các trạm thu phát sóng di động của các doanh nghiệp viễn thông.

Sở vận động sự hỗ trợ từ Tổng Công ty các doanh nghiệp VNPT, Viettel, Mobifone để triển khai trạm thông tin di động phủ sóng tại Hòn Từ, xã Thổ Châu (TP. Phú Quốc), là công trình công ích phi lợi nhuận phục vụ thông tin, liên lạc vùng biên giới, hải đảo cho người dân, chiến sĩ.

Ấp 8, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao) là địa bàn vùng sâu, từ khi được phủ sóng mạng di động, dịch vụ truy cập internet băng rộng di động, người dân trên địa bàn ấp phấn khởi vì thuận lợi trong thông tin, liên lạc, hưởng thụ nhiều tiện ích từ chuyển đổi số.

Đến nay, toàn ấp có khoảng 96% hộ gia đình có điện thoại thông minh, trên 95% dân số đã cài đặt ứng dụng và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2. 

Ông Phạm Hoàng Giang - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 8 cho biết: “Nhờ phủ sóng di động, mạng internet tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào đời sống xã hội, thụ hưởng nhiều tiện ích.

Hiện đa số người dân đã tiếp cận, biết sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, truy cập internet để liên lạc với người thân, bạn bè, giải trí, cập nhật tin tức, thông tin”.

Bài và ảnh: CẨM TÚ (Báo Kiên Giang)