Kiến nghị đó được Bộ Giao thông vận tải đưa ra trong công văn gửi Thủ tướng và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc xe đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm như đã từng xảy ra cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo Bộ Giao thông vận tải, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm tại các địa phương dự kiến được đưa ra xét xử trong thời gian tới sẽ có hàng loạt đăng kiểm viên bị kết tội. Do đó sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kiểm định tại nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nếu không sửa nghị định về đăng kiểm, các đăng kiểm viên sẽ bị thu hồi giấy phép hành nghề, hầu hết các trung tâm đăng kiểm trong cả nước phải đóng cửa, nguy cơ tái diễn ùn tắc.
Theo thống kê, hiện cả nước có 275/295 Trung tâm Đăng kiểm đang hoạt động với 448/547 dây chuyền kiểm định. Số lượng này đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguy cơ ùn tắc đăng kiểm sẽ diễn ra trong những tháng cuối năm.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Tô An, cho biết tới đây khi các cơ quan tố tụng kết thúc xét xử đại án đăng kiểm và tuyên án sẽ có nhiều đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ, nhiều trung tâm đăng kiểm bị tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng.
“Nghị định 139, 130 về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới, quy định các đăng kiểm viên bị tòa án tuyên có tội (kể cả hưởng án treo) sẽ bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên. Đơn vị đăng kiểm có hai đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ sẽ bị tạm đình chỉ ba tháng.
Theo dự báo, số lượng phương tiện kiểm định sẽ giảm mạnh trong tháng 8/2024 (tháng 7 âm lịch) nhưng gia tăng trở lại vào các tháng cuối năm, trùng với thời điểm các bản án của tòa có hiệu lực. Từ đó dẫn tới ùn tắc phương tiện đến kiểm định…”, ông An lo ngại.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, nếu áp dụng như quy định hiện hành, cả nước sẽ có 91 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động 3 tháng. Nguy cơ ùn tắc tái diễn sẽ xảy ra tại 32 địa phương. Đáng ngại, việc này có thể lan ra các địa phương khác.
Trong đó, Hà Nội và TPHCM là những địa phương có nguy cơ cao nhất. Cụ thể, tại Hà Nội có tới 55% đăng kiểm viên bị khởi tố đang làm việc và con số này tại TPHCM là khoảng 40%.
“Khi các đăng kiểm viên bị kết án (trong các tháng 9 hoặc 10), mỗi địa phương sẽ chỉ còn hai trung tâm đăng kiểm hoạt động”, ông An thông tin.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ GTVT đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất không thu hồi chứng chỉ với đăng kiểm viên bị kết án treo hoặc cải tạo không giam giữ mà không cấm hành nghề. Không tạm đình chỉ trong thời gian 3 tháng đối với các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ.
Hiện cơ quan soạn thảo đã nhận được 51 góp ý, trong đó 33 ý kiến thống nhất hoàn toàn nội dung điều chỉnh của nghị định.
Góp ý vào dự thảo này, một chuyên gia trong lĩnh vực đăng kiểm cho rằng, nghề đăng kiểm có tính chất đặc thù, để có đăng kiểm viên làm việc được đòi hỏi phải mất nhiều thời gian đào tạo, không thể có ngay được trong khoảng thời gian ngắn.
Theo đó, để một đăng kiểm viên bậc cao, đủ điều kiện ký các giấy tờ kiểm định phải có thời gian đào tạo tối thiểu 9 năm. Trong đó, đăng kiểm viên phải có 5 năm học ở trường, 4 năm thực tập và làm việc ở các trung tâm đăng kiểm.
Vì vậy, theo vị chuyên gia việc đề xuất trên trong thời điểm hiện tại là phù hợp để bù đắp lượng đăng kiểm viên đang thiếu hụt và giúp các trung tâm đăng kiểm hoạt động liên tục để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quy định trên cần có lộ trình cụ thể, tức chỉ “nới” trong một đến hai năm. Còn về lâu dài, chuyên gia này cho rằng vẫn cần tiếp tục quay về quy định chặt chẽ như hiện hành. Nghĩa là các đăng kiểm viên vi phạm hoạt động đăng kiểm phải bị rút giấy phép hành nghề, các trung tâm có nhân viên sai phạm phải đóng cửa như quy định hiện hành mà không nên nới quy định này liên tục.