Bộ Quốc phòng mới đây nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung phản ánh thực trạng gọi công dân nhập ngũ gặp nhiều khó khăn, kiến nghị bổ sung biện pháp, chế tài xử lý đối với công dân có hành vi trốn nghĩa vụ quân sự (NVQS) và áp dụng xử lý hình sự đối với công dân 3 lần không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe.

Theo Bộ Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự nêu tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện NVQS thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý vi phạm hành chính về NVQS quy định tại Nghị định 120 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, áp dụng hình phạt quy định tại Bộ luật Hình sự...

{keywords}
Thanh niên thủ đô hăng hái lên đường nhập ngũ năm 2021. Ảnh: Phạm Hải

Về giải pháp, Bộ Quốc phòng đã sơ kết 6 năm thực hiện Luật NVQS giai đoạn 2016-2021 và báo cáo kết quả trình Thủ tướng trong tháng 12/2021. Qua đó, kiến nghị đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập đối với Luật NVQS và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó, có chế tài xử phạt về lĩnh vực NVQS.

Bộ Quốc phòng đã hoàn thành dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, góp phần ngăn ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm liên quan về NVQS trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm tại các địa phương.

Đối tượng được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ phù hợp với thực tiễn

Bộ Quốc phòng cũng nhận được kiến nghị của cử tri TP Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung đề nghị Chính phủ rà soát, xem xét, điều chỉnh các quy định về tiêu chuẩn công dân thực hiện NVQS cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời nghiên cứu thu hẹp đối tượng miễn và tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình để bảo đảm cả về chất lượng và số lượng thanh niên thực hiện NVQS hàng năm.

Bộ Quốc phòng cho biết, về tiêu chuẩn tuyển chọn công dân nhập ngũ được quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và trong Thông tư số 148 năm 2018.

Về tuổi đời, công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, công dân nam được đào tạo trình độ CĐ, ĐH đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Tiêu chuẩn chính trị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong QĐND Việt Nam.

Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Tiêu chuẩn sức khoẻ thì tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng.

Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS.

Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.

Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.

Việc tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ quy định đã được quy định cụ thể.

Theo Bộ Quốc phòng, quy định tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ như hiện nay vừa bảo đảm quyền được học tập của công dân theo quy định của Hiến pháp, góp phần tạo nguồn nhân lực cho xã hội, đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, phù hợp với chính sách đối với người có công của Nhà nước; khuyến khích thanh niên công tác nơi vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vào phục vụ trong Quân đội và phù hợp với thực tiễn về tỷ lệ nam công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ với dân số gần 97 triệu người của nước ta hiện nay.

Từ những quy định nêu trên và qua thực tiễn, Bộ Quốc phòng nhận thấy Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và các văn bản liên quan quy định về tiêu chuẩn công dân nhập ngũ; đối tượng tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của đời sống xã hội hiện nay.

Thành Nam

Bộ Quốc phòng chỉ rõ trường hợp xăm mình vẫn phải đi nghĩa vụ năm 2021

Bộ Quốc phòng chỉ rõ trường hợp xăm mình vẫn phải đi nghĩa vụ năm 2021

Bộ Quốc phòng cho biết, thời gian qua một số công dân cố tình xăm hình, chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển để trốn tránh nghĩa vụ quân sự.