Cùng với sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới, kiều bào tại Cộng hòa Áo đã nỗ lực xây dựng cộng đồng đoàn kết, văn minh, hiện đại, hòa nhập sâu rộng vào cuộc sống của nước sở tại.
Hiện có khoảng 6.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc ở Áo, nhiều gia đình đã sang thế hệ thứ 3, thứ 4. Các em đều đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, thành đạt. Bên cạnh đó, cộng đồng kiều bào Việt luôn chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cội nguồn và duy trì việc dạy, học tiếng Việt cho các thế hệ sau.
Trần David Hiếu Anh (SN 2005) là thế hệ thứ 2 sinh ra và lớn lên ở Áo. Em chia sẻ, ngôn ngữ sẽ là nền tảng giúp các thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại Áo tìm hiểu về Việt Nam, khuyến khích các em nhỏ hướng về quê hương, từ đó tích cực tham gia các hoạt động dành cho kiều bào.
Hiếu Anh khẳng định, bên cạnh các lớp tiếng Việt, vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc truyền tải ngôn ngữ này cho các thế hệ sau. Chàng trai sinh năm 2005 sử dụng thành thạo tiếng Việt cũng là nhờ gia đình dạy từ khi còn nhỏ.
“Gìn giữ được tiếng mẹ đẻ là gìn giữ được gốc rễ, cội nguồn của mình. Các thế hệ sau nếu ít tiếp xúc hoặc không được dạy bài bản thì tiếng Việt có nguy cơ bị mai một rất lớn. Bản thân em sống trong môi trường dùng tiếng bản địa, ít thời gian tiếp cận ngôn ngữ tiếng Việt nhưng em luôn ý thức việc phải nói được tiếng Việt. Chính ngôn ngữ mẹ đẻ đã nhen nhóm và thắp lửa tình yêu với quê hương, đất nước nơi cha mẹ mình sinh ra”, Hiếu Anh nói.
Trước đây, những lớp dạy tiếng Việt do người Việt sinh sống tại Áo mở chỉ mang tính chất tự phát, khó duy trì. Mỗi khóa chỉ mở 2 tháng, ít hoạt động. Bố mẹ lại bận rộn đi làm, các em cũng không có nhiều cơ hội để ứng dụng, rèn luyện.
Trước vấn đề này, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo phối hợp với Hội Phụ nữ Việt Nam (Áo) mở lớp dạy tiếng Việt, thu hút đông đảo các gia đình người Việt đưa con em đến tham gia. Đại sứ quán cũng vận động một số nhà tài trợ thành lập Quỹ Khuyến học để duy trì lớp học vào thứ bảy hằng tuần tại trụ sở Đại sứ quán. Các lớp học này có trang thiết bị đầy đủ, phục vụ cho công tác giảng dạy.
Mục tiêu lớp học là giúp các cháu bé người Việt thế hệ thứ hai và thứ ba tại Áo rèn luyện tiếng Việt. Lớp học cũng là môi trường để các cháu giao lưu bằng tiếng mẹ đẻ, tự tin khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp với nhau và với cộng đồng người Việt Nam tại các nước khác.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ lớp một số sách dạy tiếng Việt. Đồng thời hàng năm tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng sư phạm cho các thành viên Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo.
Triển khai thực hiện Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030 và Kế hoạch thực hiện Đề án này năm 2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Áo đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án và Ban Chấp hành các Hội người Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Áo để tổ chức triển khai đảm bảo thiết thực, hiệu quả phù hợp với tính chất, đặc điểm của cộng đồng ở sở tại.
Trong đó, tổ chức quán triệt, triển khai tinh thần nội dung Đề án tới toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, tham gia các buổi triển khai tổ chức hội nghị trực tuyến; thống báo tới Ban Chấp hành các Hội người Việt trong cộng đồng về chương trình, nội dung, cách thức để phụ huynh biết, nghiên cứu và hướng dẫn con em trong cộng đồng tham gia học tập các chương trình giảng dạy tiếng Việt qua mạng.
Phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhận, phân chia và phối hợp chuyển toàn bộ các đầu sách, giá sách theo Kế hoạch của Ủy ban cho Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary, Slovakia và Áo nhân dịp gửi chuyên cơ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Áo vừa qua.
Đại sứ quán đã đăng ký và phát các đầu sách cho Hội Phụ nữ nhận nhằm bổ sung tài liệu, giáo trình hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng mà Hội đã tổ chức triển khai từ những năm trước đại dịch Covid-19.
Ban Chấp hành Hội Phụ nữ đã xây dựng ý tưởng, sáng kiến và tổ chức triển khai thực hiện thành công việc đưa một bộ sách vào Thư viện trẻ em của Thủ đô Vienna (địa chỉ tại Hütteldorfer Straße 81, 1150 Vienna). Ban quản lý Thư viện đã tiếp nhận, cập nhật thông tin, đăng ký bộ sách lên hệ thống thông tin thư viện chung của toàn thành phố Vienna và đưa vào quản lý khai thác thành góc tiếng Việt với toàn bộ sách từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cấp tại địa chỉ trên.
Đây là ý tưởng, cách thức quảng bá ngôn ngữ và phong trào học tiếng Việt một cách bền vững, các đầu sách đã được “sống”, duy trì, bảo quản và khai thác ổn định ở sở tại; được cập nhật tên đầu sách lên hệ thống thư viện của Thành phố để cá nhân có nhu cầu có thể tra cứu và mượn nghiên cứu; là địa điểm phù hợp cho việc tự học, nghiên cứu tiếng Việt cũng như địa điểm để con em người Việt đến gặp gỡ, trao đổi.
Đại sứ quán Việt Nam nhận thấy đây là một ý tưởng hay, cần được khuyến khích nhân rộng tại địa bàn Áo và Slovenia trong thời gian tới, góp phần đưa nuôi dưỡng, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại địa bàn.