Hà Dương Hải My (SN 2000), sinh viên Học viện Mỹ thuật Warszawa (Ba Lan) là gương mặt đạt thành tích học tập đặc biệt xuất sắc năm học 2021 – 2022.

Từng là học sinh lớp học tiếng Việt ở Trường Lạc Long Quân, Hải My thường xuyên tích cực tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam và hỗ trợ người Việt Nam hội nhập tại Ba Lan. Với những nỗ lực trong thời gian qua, Hải My được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vinh danh năm 2023.

hai my.jpg
Hải My nhận bằng và cúp vinh danh do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng.

“Những năm tháng được học tập ở Trường Lạc Long Quân đã để lại trong em nhiều kỷ niệm đẹp. Từ lúc vốn tiếng Việt còn ít, khả năng giao tiếp chỉ bập bẹ, nhờ sự tận tâm của thầy cô giáo, em đã có thể sử dụng song song hai ngôn ngữ, hiểu và yêu văn hóa đất nước cội nguồn – nơi bố mẹ mình sinh ra. 

Em học chuyên ngành về hội họa nhưng sau này định hướng sẽ theo đuổi con đường kiến trúc. Lúc nhỏ, qua những bài giảng tiếng Việt của thầy cô, em cảm thấy rất cuốn hút với văn hóa Việt Nam, yêu văn hóa Việt Nam, thích kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ như đình, chùa, miếu… mang những nét độc đáo rất riêng”, Hải My tâm sự.

Ký họa của Hải My ngày về Ninh Binh thăm Đền vua Đinh. 

Năm 2023, cùng các bạn trẻ Ba Lan trở về Việt Nam và trải nghiệm hành trình xuyên Việt qua các vùng miền của Tổ quốc, cô gái trẻ đã tranh thủ ký họa thât nhiều những cảnh đẹp, con người, sự vật nơi mình đi qua. Sau chuyến đi, Hải My quay lại Hà Nội thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để tìm hiểu hội họa trong nước. 

Trở về Việt Nam cùng Hải My là Lê Quỳnh Trang (SN 2002), sinh viên Đại học Y Warszawa. Nhiều năm liền, Quỳnh Trang là học sinh hỏi, năng nổ trong các hoạt động từ thiện và phiên dịch tiếng Việt Nam – Ba Lan cho Trường cấp 1, cấp 2 tại Rasyn – nơi có đông người Việt Nam sinh sống. 

Trang chia sẻ, cô gắn bó với công việc phiên dịch tiếng Việt Nam – Ba Lan vì muốn được hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam nhiều hơn, qua đó cũng để rèn luyện khả năng nói tiếng Việt và nhóm lên ngọn lửa tình yêu tiếng Việt cho các em nhỏ người Việt đang học tập tại trường bởi ở đó có những em nói tiếng Việt nhưng cũng có em khả năng còn hạn chế. Nhiều em khi mới học, không có nhiều cơ hội giao tiếp sẽ nản và ngại nói. Vì thế, Trang cũng thường xuyên gợi chuyện, chơi cùng và dạy các em học tiếng Việt. 

“Các thế hệ trước đã tạo dựng nền tảng tốt để ghi dấu ấn tại đất nước sở tại và chúng em là những sứ giả tiếp tục lan tỏa, gìn giữ tiếng dân tộc mình. Đây là trách nhiệm và người trẻ như em cần dốc sức thực hiện”, Quỳnh Trang nói. 

anh 6.jpg
Đoàn thanh niên, sinh viên Ba Lan ủng hộ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Bình tháng 7/2023.

Cũng giống như Hải My, Quỳnh Trang, bạn Trần Gia Linh Jessica (SN 2006), Ủy viên Ban Chấp hành Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Ba Lan cũng luôn nặng lòng với văn hóa, ngôn ngữ quê hương. 

“Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan rất quan tâm đến công tác dạy và học tiếng Việt. Điều đó thể hiện qua những chính sách, giải pháp quan trọng được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) triển khai như: Đẩy mạnh các chương trình dạy tiếng Việt trên truyền hình, truyền thanh, mạng Internet, hay như các cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt…

Bản thân em là thế hệ sau sinh ra ở Ba Lan nhưng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam, sự chào đón, yêu thương của Tổ quốc, vì thế càng phải dùng trí tuệ, tuổi trẻ của mình đóng góp nhiều hơn cho quê hương. Trong đó, việc đẩy mạnh bảo tồn, gìn giữ tiếng Việt là trọng trách lớn lao, mỗi kiều bào trẻ là nhân tố thúc đẩy, để tiếng Việt phát huy trường tồn”. 

Những năm qua, Gia Linh cùng với các thanh niên, sinh viên trong cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan thường xuyên có nhiều hoạt động hỗ trợ, thiện nguyện giúp bà con, du học sinh người Việt hòa nhập cuộc sống. Đồng thời mở những buổi sinh hoạt, giao lưu với chuyên đề tiếng Việt, phần lớn các buổi họp, trao đổi của Hội đều sử dụng tiếng Việt…

“Đó là cách chúng em thể hiện lòng tự tôn dân tộc, khẳng định gốc rễ của mình. Lòng tự tôn dân tộc ai cũng có nhưng nếu sống ở một đất nước khác, lòng tự tôn đó càng lớn gấp nhiều lần. Khi tiếng Việt vang lên, người Việt được ghi nhận ở nước sở tại, kiều bào sẽ dâng trào lên niềm hạnh phúc mãnh liệt”, Gia Linh tâm sự. 

Trong khi đó, Phạm Mai Phương (SN 2002) bày tỏ: “Là người Việt Nam ở nước ngoài, em luôn muốn giữ gìn những điều tốt đẹp có trong con người Việt Nam của mình. Khi tham gia học tập, giao lưu với bạn bè quốc tế, bạn bè Ba Lan, em luôn tự tin giới thiệu về đất nước Việt Nam xinh đẹp, tự hào về mảnh đất anh hùng, kiên cường”.

Phạm Mai Phương được cộng đồng người Việt ở Ba Lan biết đến với nhiều thành tích trong thể thao như cầu lông, võ Taekwondo. Cô gái sinh năm 2002 cũng tham gia nhiều vào các hoạt động công ích, cộng đồng, thúc đẩy dạy tiếng Việt, quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã lựa chọn Mai Phương để vinh danh.

20230720 103131.jpg
Mai Phương (thứ 3 từ trái sang) được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vinh danh năm 2023 vì những thành tích nổi bật trong cộng đồng. 

Mùa hè năm 2023, Mai Phương cùng các bạn thanh thiếu niên kiều bào đoàn Ba Lan trở về thăm Việt Nam. Trước khi về, em cùng các bạn kết nối, kêu gọi ủng hộ một khoản tiền trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan quyên góp cho Làng trẻ SOS ở Thanh Hóa.

Thế hệ kiều bào trẻ ở Ba Lan luôn hướng về quê hương, đất nước. Tương lai, các em sẽ là những người tiếp nối ông bà, cha mẹ mình, một mặt nỗ lực học tập, phấn đấu xây dựng sự nghiệp riêng nhưng đồng thời luôn duy trì sự gắn bó với quê hương Việt Nam và trong khả năng của mình, đóng góp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Quỳnh Nga

Văn Bắc và nhóm PV, BTV