Nếu tái đắc cử vào tháng 11 tới, tổng thống Obama và đảng dân chủ sẽ không phải là người chiến thắng duy nhất. Ngành buôn bán vũ khí năm nay hứa hẹn nhiều thành công và tiền bạc giống như những gì đã diễn ra sau cuộc bầu cử năm 2008.
Thất nghiệp: 'Gót chân Achilles' cản đường Obama
Hành trình làm giàu của Tổng thống Obama
Giới kinh doanh súng ở Mỹ đang chuẩn bị gom hàng để bán trong dịp nghỉ lễ và mùa săn bắn sắp tới. Theo WSJ, các nhà bán lẻ và sản xuất súng dự báo, doanh thu sẽ tăng ấn tượng nếu Obama tiếp tục thống trị Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ hai tới.
Trước đó, một số khách hàng lo ngại rằng chính quyền Obama sẽ có những chính sách mới khiến việc mua vũ khí của họ trở nên khó khăn hơn. Mặc dù vậy, WSJ lưu ý rằng "thực tế đã không có sự thay đổi đáng kể nào trong bộ luật sở hữu súng dưới thời tổng thống Obama". Trong khi đó, Associated Press cũng cho biết, tổng thống đã không đẩy mạnh những biện pháp quản lý thị trường súng trong nhiệm kỳ của mình.
Ở Mỹ, khách hàng sẽ phải trải qua giai đoạn kiểm tra lý lịch trước khi mua vũ khí từ các cửa hàng súng ống được liên bang cấp phép. Và theo thông tin FBI cung cấp, họ đã nhận đến gần 12 triệu hồ sơ xin xác nhận lý lịch để mua súng kể từ đầu năm (tính đến ngày 31/8), tăng 56% so với cùng giai đoạn năm 2008.
Nhà phân phối sản phẩm vũ khí Smith & Wesson hồi tuần trước đã gia tăng dự báo doanh thu cả năm của họ lên mức 530-540 triệu USD, cao hơn so với dự đoán trước đó (485-505 triệu USD) khi cho rằng, nhu cầu của khách hàng sẽ giúp số lượng vũ khí được bán trong quý đầu năm 2013 tăng 30% so với năm nay.
Trong khi đó, công ty buôn bán súng Cabela cho biết, ngay sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, số lượng khách hàng mới của họ tăng 25% và xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới khi mà ngày càng nhiều phụ nữ cũng như người trẻ tìm sản phẩm này.
Wal-Mart Stores, nhà bán vũ khí và đạn dược lớn nhất của Mỹ thì từ chối bình luận về doanh thu súng ống của mình.
Thuế gián thu tiêu thụ liên bang đối với doanh thu vũ khí và đạn dược đã leo lên mức 453 triệu USD năm 2009, tăng 45% so với 1 năm trước đó. Năm 2011, con số được điều chỉnh về 344 triệu nhưng vẫn ở mức cao hơn so với trước năm 2008.
Nhu cầu tăng, tuy nhiên nguồn cung thì không gia tăng đáng kể. Các nhà sản xuất đang có rất nhiều đơn hàng chưa được xử lý mặc dù họ đã quyết định tăng giá trong khi lợi nhuận thì đã đạt kỷ lục.
Một số nhà cung cấp vũ khí lo ngại rằng, việc gia tăng nhu cầu không kéo dài được lâu nên họ do dự trong việc đầu tư vào sản xuất khiến các nhà bán lẻ lo thiếu nguồn cung. Cabela, công ty với 1/5 doanh thu trị giá 2,8 tỷ USD đến từ kinh doanh vũ khí đang nỗ lực mua hàng của các nhà sản xuất với cam kết thanh toán nhanh (chỉ 15 ngày sau khi nhận hàng). Trong khi đó, các nhà sản xuất sẽ phải đợi đến 120 ngày để lấy tiền hàng từ một số nhà bán lẻ khác. Đây là một động thái cho thấy, các nhà buôn đang rất tin tưởng vào triển vọng của thị trường.
Đây không phải là lần đầu tiên cái tên tổng thống ảnh hưởng đến doanh thu của ngành công nghiệp vũ khí. Vào tháng Hai vừa qua, website bán lẻ đạn dược trực tuyến gọi tổng thống Obama là "người bán súng vĩ đại nhất nước Mỹ".
Trong khi đó, đối thủ của Obama, ứng cử viên Mitt Romney, cũng khẳng định trên website của mình rằng, ông "ủng hộ mạnh mẽ quyền lợi của tất cả những công dân Mỹ tôn trọng luật pháp trong việc sở hữu vũ khí và sử dụng chúng cho các mục đích hợp pháp như săn bắn, bắn súng giải trí, tự vệ và bảo vệ gia đình cũng như tài sản".
Adam Fetcher, người phát ngôn viên cho chiến dịch Obama lên tiếng bảo vệ những chính sách của tổng thống: "Obama ủng hộ và tôn trọng hiến pháp sửa đổi 2 cũng như truyền thống sở hữu súng tại đất nước Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục phản pháo lại những nỗ lực làm lạc hướng cử tri".
Thái Anh (Theo Huffingtonpost)