Thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có 14 phường và 9 xã, là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Hải Dương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã có 5 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Những kết quả đạt được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng chính quyền, đặc biệt là sự thấu hiểu và tham gia đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Đại diện lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn cho biết, thời gian qua, nhận thức rõ người được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình xây dựng nông thôn mới chính là nhân dân, vì vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Kinh Môn đã nỗ lực, chung sức đồng lòng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Dù có định hướng phát triển công nghiệp nhưng huyện Kinh Môn không quên nhiệm vụ nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 gồm 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu, trong đó có 18 chỉ tiêu mới so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và 26 chỉ tiêu tăng so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn trước. Những chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao được bổ sung trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hướng tới xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu nên cần có nhiều thời gian và nguồn lực đầu tư.

Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho hay, khó khăn nhất của thị xã là xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy chuẩn, quy định của tiêu chí nông thôn mới. Để thực hiện thành công tiêu chí này, lãnh đạo thị xã đã triển khai theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong đó, tăng cường vận động người dân hiến đất mở rộng các hệ thống giao thông, cùng sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng.

 

Ảnh màn hình 2024 08 29 lúc 12.21.17.png
Thị xã Kinh Môn nâng cao các tiêu chí, hướng tới nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Để nâng cao thu nhập của người dân, thị xã Kinh Môn đã tập trung vào sản xuất, canh tác cây trồng có giá trị cao, đưa những sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vào thị trường và các nhà hàng, siêu thị nhằm tăng tính bền vững. Đặc biệt, thị xã quy hoạch các vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao như hành, tỏi Kinh Môn, cam Thất Hùng, Thanh Long ruột đỏ… và giữ vững, mở rộng diện tích nếp cái hoa vàng. Ngoài ra, thị xã còn đổi mới cơ cấu sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất, giá trị ngày công cho người lao động nông nghiệp trên địa bàn thị xã.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay thị xã Kinh Môn đã có 31 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao và có 20 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm sau khi được công nhận tiêu chuẩn OCOP đã giúp việc tiêu thụ thuận lợi hơn trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cho các chủ thể sản xuất.

Năm 2024, thị xã Kinh Môn phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đến nay, thị xã đã có 12 sản phẩm đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó có gạo nếp cái hoa vàng Hương Trung (phường Duy Tân) đăng ký đạt tiêu chuẩn 4 sao. Các sản phẩm nấm sò Hiệp An, bột sắn dây Đích Sơn, mỳ gạo Thái Thịnh, bánh phở tươi Mạnh Cường, dưa lưới Long Xuyên, thịt tươi Hưng Lụa, chả Hưng Lụa, xúc xích Hưng Lụa, thịt chua Hưng Lụa, thịt gà Hưng Lụa đăng ký đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Thị xã cũng hỗ trợ các xã, phường có sản phẩm đăng ký OCOP và các chủ thể chuẩn hóa, nâng cấp và phát triển sản phẩm OCOP; khảo sát, tư vấn xây dựng hồ sơ, tem bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại... cho một sản phẩm hoàn chỉnh. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại các địa phương; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP năm và thưởng cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.