Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) ngày 10/6. Bác sĩ nội soi gắp thành công con vắt ra ngoài. Biết "thủ phạm" khiến mình ngứa mũi, chảy máu mũi, anh rất ngạc nhiên, kể với bác sĩ mấy ngày trước có uống ngụm nước suối.

Con vắt được gắp ra khỏi mũi bệnh nhân. Ảnh: Long Nhật

Vắt thường xuất hiện ở vùng núi rừng, lẫn trong nước suối. Ban đầu, vắt có kích thước rất bé, mắt thường khó phát hiện.  

Nhiều trường hợp, bác sĩ soi không thấy được vì con vắt nấp trong các khe hốc, phải soi khám nhiều lần mới có thể phát hiện. Các bệnh nhân bị dị vật sống (như đỉa, vắt) trong mũi khá hiếm gặp nên dễ bị bỏ qua nếu không thăm khám kỹ.

Nhiều người dùng tay vốc nước suối uống, con vắt nhỏ như sợi chỉ lẫn vào nước, mắt thường không thể thấy. Đỉa, vắt ký sinh trong cơ thể thời gian dài sẽ hút máu để sống, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe vật chủ, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu máu,... Đỉa, vắt ký sinh ở mũi người bệnh thậm chí có thể di chuyển đến khí quản, phế quản, gây ho ra máu, đau đớn, khó thở.

Lý giải nguyên nhân khiến đỉa, vắt sống trong mũi thường gây hiện tượng chảy máu mũi đỏ tươi, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết loài ký sinh trùng này có giác hút và hút máu các loài động vật để sống. Khi hút máu, đỉa sẽ tiết ra chất chống đông máu khiến máu khó cầm.

Người thường xuyên sử dụng nước suối sinh hoạt là điều kiện thuận lợi cho dị vật sống là đỉa chui vào cơ thể. Bác sĩ lưu ý, người dân khi đi rừng, suối không nên rửa mặt, uống nước suối.

Nếu sống vùng núi hoặc đi chơi ở khu vực núi rừng, có biểu hiện một bên mũi chảy máu đỏ tươi, nghẹt mũi, chảy dịch, cảm giác nhột trong mũi, đau nhức mũi, có thể là dấu hiệu dị vật sống (như đỉa, vắt) trong mũi.