![]() |
Ảnh minh họa. |
Bài liên quan:
>> Alibaba chính thức có mặt tại Việt Nam
Alibaba.com là một sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) lớn với 40 triệu thành viên tại 240 quốc gia. Tính đến hết tháng 7/2009, Việt Nam có trên 100.000 DN/cá nhân là thành viên của Alibaba.com. Hiện Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB là đại lý của Alibaba tại Việt Nam.
“Ðầu xuôi đuôi lọt”
Ông Ngô Văn Khiên, Giám đốc Công ty Mây Tre Xuất khẩu Hồng Dương cho biết công ty đã 10 năm gắn bó với Alibaba.com, hiện nay, 50-60% doanh thu của Hồng Dương là qua Alibaba. Theo ông Khiên, việc tìm kiếm khách hàng (KH) chỉ khó lần đầu. Nếu đã hợp tác thành công lần dầu, lần sau KH sẽ dễ hợp tác hơn. “Điển hình nhất phải kể đến Nhật Bản. Họ tìm hiểu, kiểm tra, đưa ra các yêu cầu, thử thách từ những chi tiết rất nhỏ nhặt. Nhưng nếu kiên nhẫn và vượt qua, họ sẽ trở thành những KH trung thành và dễ tính”.
Theo ông Khiên, trong kinh doanh (KD) cần chú trọng 2 tiêu chí: đúng chất lượng và đúng thời gian đã cam kết. “Có những lô hàng được thực hiện trong thời điểm giá nhân công, giá nguyên liệu tăng nhưng mình vẫn chấp nhận làm để đảm bảo đúng theo hợp đồng. Hợp đồng sau mình sẽ điều chỉnh”, ông Khiên chia sẻ.
Cần mẫn đáp ứng mọi thắc mắc
Ông Đặng Trần Đạt, Giám đốc Công ty Donexco (chuyên cung cấp các sản phẩm quế, hồi, hoa quả đóng lọ) cho biết, ông đã thử tham gia với tư cách là thành viên tự do (không đóng phí) và nhận thấy có rất nhiều người hỏi thông tin nhưng họ đều không trở lại để giao dịch tiếp. Ông Đạt sau đó đầu tư đóng phí thành viên. Khi có chứng nhận thành viên chính thức của Alibaba, các khách hàng đã liên tục liên lạc tìm hiểu thông tin về sản phẩm, giá cả, công ty, mùa vụ... thậm chí nửa đêm họ cũng gọi điện. Sau 3 tháng tham gia thành viên và cần mẫn đáp ứng mọi thắc mắc của KH, ông Đạt đã có được hợp đồng đầu tiên qua Alibaba.
Từ KH đầu tiên, công ty của ông Đạt lần lượt có các KH tiếp theo mà phần lớn trong số đó là nhờ KH trước giới thiệu. “Đây là một đặc tính khá thú vị của KD qua mạng”, ông Đạt nhận xét. “Giao dịch qua mạng nên mọi người đều quan tâm đến uy tín. Khi DN làm ăn nghiêm túc, người ta sẽ mách bảo nhau đến giao dịch với anh”. Tính đến nay, phần lớn KH giao dịch với Donexco là các DN Ấn Độ.
Theo ông Đạt, trong khi DN các nước châu Âu, Nhật Bản thích sử dụng các phương tiện, công cụ khác nhau để thăm dò, tìm kiếm đối tác thì KH Ấn Độ lại đề cao trực giác. Và do đó, họ không chỉ dừng ở quan hệ đối tác làm ăn mà thường có xu hướng đưa nó thành quan hệ bằng hữu. Họ thích các công ty gia đình (theo kiểu cha truyền con nối, văn phòng đồng thời là nhà riêng...), bởi theo họ, các công ty kiểu này không tốn nhiều chi phí cho cơ sở hạ tầng nên giá sản phẩm sẽ thấp hơn, ra quyết định nhanh chóng vì không qua nhiều cấp và có thể làm việc mọi lúc.
Một điểm thú vị nữa của KD qua mạng mà ông Đạt cho biết là tiết kiệm chi phí. Hiện nay, Donexco có một số cộng tác viên thực hiện công việc của nhân viên KD. Hàng ngày, họ có trách nhiệm ngồi trước máy tính kết nối Internet trả lời mọi câu hỏi của KH, đàm phán để có được hợp đồng. Tuy nhiên, ông Đạt không phải trả lương hàng tháng, không tốn chi phí chỗ ngồi, máy tính, phòng ốc cho tất cả các cộng tác viên này. Họ có thể ngồi ở đâu đó và làm việc cho Donexco. Thù lao họ nhận được chính là giá trị hoa hồng tính trên mỗi hợp đồng mà họ ký được.
Theo PCWorld.com.vn
“Mỗi thị trường, mỗi KH đều có đặc tính và tính cách khác nhau.. Do đó cần tìm hiểu bằng mọi nguồn thông tin: trao đổi trên mạng, sách báo, qua người dân sở tại để biết thị hiếu, thói quen, thời gian. Những yếu tố này giúp làm tăng khả năng thành công”, ông Ngô Văn Khiên, Giám đốc Công ty Mây Tre Xuất khẩu Hồng Dương.