Là một dân tộc đặc biệt khó khăn, người La Hủ (huyện Mường Tè, Lai Châu) đang đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi, điều kiện kinh tế trì trệ và dần mất đi những bản sắc văn hóa truyền thống của mình.

Nhờ có chính sách bảo tồn đặc biệt của Chính phủ, cuộc sống của người La Hủ đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn đó một hành trình đầy gian nan…

Hiện nay, dân tộc La Hủ có khoảng hơn 6.000 người, chủ yếu sống ở 4 xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, khu vực biên giới thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BĐBP tỉnh Lai Châu (xã Pa Ủ) đã triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả, nhờ đó cuộc sống của đồng bào vơi bớt khó khăn hơn.

Kinh tế ổn định, đời sống về văn hóa, tinh thần của người La Hủ cũng phần nào được cải thiện, các giá trị truyền thống cũng dần được bảo tồn. Biết con chữ, hiểu được giá trị truyền thống, người dân tự giác xóa bỏ những hủ tục và tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương giữ những nét đẹp truyền thống của mình như: Tết mùa mưa, Lễ mừng cơm mới, tham gia lễ hội, cùng nhau biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao…

Ảnh minh hoạ

Hàng năm, khi mùa thu hoạch kết thúc (tức là vào khoảng cuối tháng 12 dương lịch) cũng là thời điểm cộng đồng người La Hủ vui xuân đón tết cổ truyền. Đây là cái tết to nhất của người La Hủ, cũng là dịp đoàn tụ của gia đình, cộng đồng. Thời gian ăn tết kéo dài 3 ngày, bà con chọn ngày ăn tết thường tránh ngày mất của bố, mẹ.

Trong ngày tết đầu tiên, gia đình nào cũng làm bánh dày. Cùng với bánh dầy, trong ngày tết của bà con La Hủ không thể thiếu thịt lợn. Để có lợn thịt tết, bà con thường nuôi trước đó cả năm, thường là lợn đực, khỏe mạnh, đẹp mã. Lợn trước khi bị chọc tiết sẽ được chủ nhà cho ăn bánh trôi vì tin rằng làm lý như vậy trong năm tới lợn sẽ hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh.

Khi pha thịt lợn, bà con thường lấy lá gan để xem vận hạn trong năm tới của gia đình. Gia chủ một tay cầm một chiếc đũa đặt nằm ngang lên mặt lá gan rồi vừa hơi ấn vừa gạt gạt qua bên nọ rồi lại bên kia để những tia máu dưới bề mặt lá gan hằn rõ lên. Bà con tin rằng nếu các tia máu đó liền mạch và đỏ tươi là tốt, còn nếu có tia đứt thì năm ấy gia đình sẽ có người gặp hạn. Nếu các tia máu không có màu đỏ tươi thì việc làm ăn của gia đình sẽ kém.

Theo phong tục của người La Hủ, trong ngày đầu tiên của Tết cổ truyền, chỉ những người trong dòng họ (cùng chung tổ tiên một đời) đến nhà đặt ban thờ tổ tiên chúc Tết. Nhưng sau 12 giờ trưa, cả bản trở lên nhộn nhịp, đường mòn trong bản lúc nào cũng có những tốp người đến chúc Tết nhà nhau.

Vào ngày tết thứ 2, khi con gà đầu tiên trong bản cất tiếng gáy, các gia đình thường cử 1 người đi đến đầu nguồn nước sạch lấy nước về làm cơm cúng tổ tiên (Kê cá khụ). Lễ vật dâng cúng tổ tiên có men ruợu, củ gừng, cơm, thịt lợn và bánh dày được bày trên cái mâm nhỏ đặt ở đầu giường ngủ của vợ chồng gia chủ. Khi các thành viên trong gia đình, dòng họ có mặt đông đủ, chủ nhà quỳ trước mâm lễ khấn tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, mùa màng tươi tốt, bội thu; vật nuôi lớn nhanh, không ốm đau, dịch bệnh. Sau đó, bà con đến thăm nhà nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Nét đặc biệt là, trong 3 ngày Tết, người chủ nhà trực tiếp làm lễ cúng thì không ra khỏi địa bàn, không đi ngủ ở nhà khác. 

Trong 3 ngày Tết, người La Hủ kiêng sát sinh chó, dê vì dó là những con vật gần gũi, thân thiết với người La Hủ nếu giết chúng trong ngày Tết thì năm ấy các gia đình trong dòng họ sẽ gặp xui xẻo. Trong những ngày Tết, khi quét nhà, người La Hủ không vứt rác ra ngoài mà ủ vào một góc. Hết Tết, họ mới bỏ rác đi.

Cùng với thực hiện các lễ nghi thì tại các bản còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Các chàng trai, cô gái La Hủ với những bộ trang phục mới, sặc sỡ say sưa hòa mình trong các trò chơi dân gian hay các điệu dân ca dân vũ trong tiếng trống chiêng rộn ràng.