Tiên phong áp dụng chuẩn nghèo đa chiều

Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin). Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Theo thông tin của tổng cục Thống kê cho biết, kết quả Khảo sát mức sống dân cư của tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2022.

Tỷ lệ nghèo đa chiều chủ yếu tập trung ở những hộ gia đình thuộc vùng dân tộc thiểu số. Kết quả thực hiện xóa đói giảm nghèo ở các Vùng dân tộc thiểu số đạt được những thành tựu lớn.

Khoảng cách về tỷ lệ nghèo đa chiều giữa dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và các dân tộc thiểu số khá lớn nhưng đã được thu hẹp dần trong giai đoạn 2016-2022 dưới tác động của hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ người nghèo.

Đó là các chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện. Trong giai đoạn 2016-2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số giảm khá nhanh so với dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và cả nước.

Trong năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số là 23,7%, giảm 12,8 điểm phần trăm so với năm 2016, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2022 giảm 2,13 điểm phần trăm; dân tộc Kinh và dân tộc Hoa có tỷ lệ nghèo đa chiều là 2%, giảm 2,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 0,47 điểm phần trăm.

Cả 6 vùng kinh tế đều có tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021 giảm hàng năm

Điều tra của cơ quan thống kê cũng cho thấy, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi tất cả 6 vùng kinh tế đều có tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021 giảm hàng năm, đặc biệt tại các vùng khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống có thành tựu giảm nghèo nhanh nhất cả nước khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2021 là 12,1%, giảm 9,6 điểm phần trăm so với năm 2016 và bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021 giảm 1,92 điểm phần trăm; tiếp đến là vùng Tây Nguyên là 10,1%, giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2016 và bình quân mỗi năm giảm 1,69 điểm phần trăm; xếp thứ 3 là vùng Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 5,7% giảm 5,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 1,17 điểm phần trăm; vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là 3,8%, giảm 4,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 0,96 điểm phần trăm; 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước lần lượt là 1,2% và 0,2%, giảm so với năm 2016 lần lượt là 1,8 điểm phần trăm và 0,7 điểm phần trăm, bình quân mỗi năm giảm lần lượt là 0,37 điểm phần trăm và 0,15 điểm phần trăm.

Theo cách tiếp cận mới về nghèo đa chiều của Chính phủ cho giai đoạn 2022-2025, có sự khác biệt và khoảng cách lớn giữa các vùng có trình độ kinh tế phát triển và Vùng núi, cao nguyên.

Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại Vùng Trung du và miền núi phía Bắc cao nhất trong các Vùng kinh tế với 12,1%; tiếp đến là Vùng Tây Nguyên 11,4%; Vùng Bắc trung Bộ và Duyên hải miền trung 5%; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 4,7%; Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung các địa phương có trình độ phát triển kinh tế cao của cả nước và các khu công nghiệp lớn, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nên tỷ lệ nghèo đa chiều tại 2 vùng này rất thấp, tương ứng là 0,7% và 0,9%.

"Bà đỡ" mát tay

Theo các nhà quan sát, trong số các giải pháp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước, các bộ, ngành và địa phương để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 có vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể.

W-ngoclinh-1.png
Mô hình HTX trồng sâm dưới chân núi Ngọc Linh.

Ở Việt Nam, kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, có ý nghĩa quan trọng bởi chính sự liên kết, hợp tác thông qua các mô hình hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đã dẫn đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất… tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm, từ đó nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Điều này giúp khắc phục những khó khăn, hạn chế, thiếu sót mà mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ gặp phải, qua đó góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn theo tinh thần của Quyết định số 255/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/2/2021.

Với gần 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số sống ở nông thôn và 40% lực lượng lao động làm nông nghiệp, nông dân là thành viên nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã, có vị trí hết sức quan trọng về phát triển kinh tế; là thành phần kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho người lao động, góp phần làm giảm sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội bởi kinh tế tập thể tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.

Tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác xã

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, thời kỳ đổi mới Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển thành phần kinh tế này, điển hình như: Ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật Hợp tác xã năm 2012,… đã tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ, minh bạch, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác xã-nòng cốt của kinh tế tập thể.

Mới đây, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”.

Cùng với đó, việc thực thi Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tác động nhiều đến sự phát triển kinh tế tập thể. Trong hơn 31 nghìn hợp tác xã trên cả nước tính đến thời điểm hiện nay, có hơn 20 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả xuất hiện và ngày càng được nhân rộng trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; đóng góp trực tiếp khoảng 4,8%, gián tiếp trên 30% GDP cả nước trên cơ sở giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên; thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm.

Việc sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp, thu nhập của thành viên tăng 36%; tích lũy khoảng 18.600 tỷ đồng lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất; là “hạt nhân” quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.