Sáng 23/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội một số nội dung chủ yếu về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2022.

Hơn 81,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, những tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát với chỉ số CPI bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. 

Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

Tính chung 4 tháng có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2…

Nhiều nội dung của chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. 

Tính cả năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 49,6 triệu lượt người lao động, 728,4 nghìn lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 81,6 nghìn tỷ đồng.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ trên các lĩnh vực, nhất là quản lý dân cư, thu thuế, hải quan điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng...

Phó Thủ tướng cũng báo tin vui, Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, dẫn đầu các nước đoạt huy chương vàng và tổng các loại huy chương. Tính đến hết ngày 22/5, Đoàn thể thao Việt Nam đoạt 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc, 116 huy chương đồng, dẫn đầu toàn đoàn với 446 huy chương, trong đó có 28 kỷ lục được phá.

Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh và quyết tâm xây dựng Chính phủ số, hướng đến nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương và đã đạt được những kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, ổn định chính trị được giữ vững…

“KTXH những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”, Phó Thủ tướng khẳng định, những kết quả đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. 

Cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế, khó khăn và thách thức. Trong đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác quy hoạch còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện…

Từ đó, Chính phủ rút ra 5 bài học kinh nghiệm.

Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh, phải có tư duy đổi mới với tầm nhìn chiến lược; thật sự coi con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu…

Phó Thủ tướng lưu ý, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KTXH.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng nay. Ảnh: Minh Đạt

Phó Thủ tướng nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. 

Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý 4 năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành ... 

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng. Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; cơ cấu lại thị trường và làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá, phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao trình độ cán bộ, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Một nhiệm vụ khác cũng được Chính phủ quan tâm là việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, ĐBQH về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương và chủ động thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra về đất đai; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, tồn đọng nhiều năm, sớm đưa vào khai thác phục vụ phát triển KTXH…

Một số chỉ tiêu KTXH đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội vào cuối năm 2021:

- CPI bình quân tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội khoảng 4%).

- Bội chi ngân sách nhà nước là 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội là 4% GDP), trong đó, thu NSNN tăng 16,8% dự toán (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 1,7% dự toán).

- Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 10,7%).

- Xuất siêu đạt 4 tỷ USD (số đã báo cáo Quốc hội là nhập siêu 2 tỷ USD). 

Thu Hằng

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3: Kinh tế-xã hội phục hồi tích cực dù sức ép rất lớn

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3: Kinh tế-xã hội phục hồi tích cực dù sức ép rất lớn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh tình hình có những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn, song kinh tế-xã hội đang hồi phục tích cực.

Chủ tịch Quốc hội: Tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội

Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Cà Mau cần bám sát yêu cầu của gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ phục hồi kinh tế, xã hội và tình hình cụ thể để tận dụng tối đa nguồn lực.

Chi tiết về gói 350.000 tỷ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Chi tiết về gói 350.000 tỷ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành ngày 17/1.