Tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm.

Lưu giữ văn hóa dệt thổ cẩm

Trong những năm qua, công tác bảo tồn các nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ, trong đó có nghề dệt truyền thống luôn được tỉnh Kon Tum quan tâm triển khai thực hiện.

Với mỗi cộng đồng dân tộc ở đại ngàn Trường sơn, các họa tiết thổ cẩm sẽ khác nhau, cách phối màu cũng khác nhau. Đặc trưng vải thổ cẩm sẽ có những họa tiết như chim, ba ba, cồng chiêng, ngà voi với sự pha trộn màu sắc đa dạng. 

thocam.jpg

Cuối năm ngoái, tại nhà rông Kon Klor, tại Thác Pa Sỹ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đã diên ra Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên. Sự kiện nhằm góp tiếng nói gìn giữ và bảo tồn nét đẹp của thổ cẩm tại Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung

Đặc biệt, tháng 2 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Được biết, Kon Tum cũng bước đầu kiểm kê về trang phục truyền thống của 03 dân tộc thiểu số (dân tộc Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng) trên địa bàn. Từ kết quả thu thập được, tỉnh đã lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia là di sản văn hóa phi vật thể Nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống của 02 dân tộc thiểu số (Ba Na, Gia Rai).

Những sự kiện này đã mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con dân tộc thiểu số ở Kon Tum.

Bảo tồn, phục hồi văn hóa nhà rông 

Nhà Rông là một trong những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc ở Kon Tum, một di sản văn hóa có giá trị đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 409 làng có nhà rông với 434 nhà rông (182 nhà rông làm bằng vật liệu truyền thống, 252 nhà rông làm bằng vật liệu bán truyền thống, vật liệu hiện đại); một số địa bàn như huyện Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy đã đạt tỷ lệ 100% thôn (làng) đồng bào DTTS có nhà rông.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, các cơ quan, địa phương liên quan đã hỗ trợ xây dựng mới 2 nhà rông, hỗ trợ sửa chữa 14 nhà rông. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn liền với nhà rông đã được chú trọng thực hiện, các làng đồng bào DTTS có cồng chiêng đều xây dựng đội nghệ nhân dân gian và thực hành thường xuyên trong các ngày hội của làng và sẵn sàng tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa do các cấp, ngành tổ chức.

Tại cuộc họp đánh giá công tác triển khai bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số  trên địa bàn tỉnh, hôm 10/5, các đại biểu đã nhấn mạnh về những tồn tại, hạn chế đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các DTTS, như: nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các chương trình, đề án còn thiếu; chế độ, chính sách cho nghệ nhân chưa được giải quyết kịp thời; công tác quy hoạch chưa đồng bộ; chưa chú trọng bảo tồn không gian làng, cảnh quan thiên nhiên; nguyên vật liệu tự nhiên để làm nhà rông, nhạc cụ truyền thống khan hiếm; sự tác động của việc giao thoa văn hóa; các nhiệm vụ, giải pháp, phương hướng cần thực hiện thời gian tới. 

Thế Mỹ và nhóm PV, BTV