Đồng bào Khmer có các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. 

Hàng năm, tỉnh Kiên Giang đều tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer nhằm góp phần tôn vinh, quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào Khmer.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống này đang được tỉnh Kiên Giang triển khai, tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh bảo tồn, phát huy, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân; đồng thời giữ gìn những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer.

Đó là, hàng năm tỉnh đều tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer nhằm góp phần tôn vinh, quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào Khmer; duy trì các chương trình phát thanh - truyền hình tiếng Khmer trong vùng đồng bào Khmer; phong trào văn hóa nghệ thuật trong đồng bào Khmer cũng diễn ra khá sôi nổi thông qua các liên hoan, hội thi, giao lưu văn hóa nghệ thuật vào những dịp lễ, tết. 

Nhằm thực hiện mục tiêu lưu giữ, truyền thụ và phát huy nghệ thuật múa truyền thống Khmer, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao giao Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phối hợp với Trường Trung cấp Múa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng múa truyền thống Khmer cho các cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên thuộc các ban, ngành cấp tỉnh; phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố.

Lớp bồi dưỡng múa truyền thống Khmer nằm trong chương trình thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống nghệ thuật Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, gian đoạn 2021 - 2025” được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt vào năm 2022. 

Đề án nhằm góp phần thực hiện tốt công tác văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer; đề xuất và thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh; khuyến khích phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu. 

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy, đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công, tác giả Khmer kế thừa; tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương; tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, thông qua việc tăng cường nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, kết hợp vận động xã hội hóa một cách hiệu quả.

Trước đó, nhằm giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer, tháng 11/2022, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cũng đã tổ chức Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmertại huyện Gò Quao, thu hút hơn 130 diễn viên, nghệ nhân đến từ 9 đội nghệ thuật truyền thống Khmer thuộc các huyện: Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành, An Biên, U Minh Thượng, Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành, tham gia biểu diễn dàn nhạc ngũ âm, trình diễn trang phục truyền thống và văn nghệ (hát, múa). 

PV