Với chủ đề “Trải nghiệm văn hóa - Khám phá thiên nhiên”, Tuần Văn hoá - Du lịch lần thứ 5 và Liên hoan Cồng chiêng tỉnh Kon Tum lần thứ 2 năm 2024 dự kiến diễn ra trong 4 ngày (từ 11-14/12) tại TP. Kon Tum và một số địa phương trong tỉnh.
Theo kế hoạch sẽ có các hoạt động văn hoá, trưng bày, triển lãm dự kiến như: Trưng bày, triển lãm, liên hoan cồng chiêng, xoang; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc; lễ hội đường phố; liên hoan các nhóm nhạc học sinh; gian hàng văn hoá ẩm thực...
Ngoài ra, còn có các hoạt động như: Giới thiệu, tham quan, trải nghiệm các tour, tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; Trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum; Triển lãm bộ ảnh đẹp du lịch, v.v...
Các hoạt động sẽ góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; quảng bá về tiềm năng văn hóa, du lịch, kinh tế xã hội trên địa bàn; kích cầu du lịch hiệu quả trên địa bàn tỉnh, nhất là vào dịp cuối năm.
Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp, hỗ trợ với các đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả các nội dung đề ra; xây dựng các hoạt động thành một chuỗi sự kiện có sức lan tỏa mạnh, phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương. Trong đó, công tác chuẩn bị cho Liên hoan cồng chiêng, xoang phải được chuẩn bị chu đáo, luyện tập kỹ, lựa chọn nội dung đặc sắc, tiêu biểu.
Tôn vinh bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch
Tuần Văn hóa - Du lịch và Liên hoan cồng chiêng năm 2024 là hoạt động văn hóa - du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tiêu biểu các của các dân tộc trong tỉnh Kon Tum; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan đối với kết quả phát triển văn hoá - du lịch.
Các hoạt động trong tuần lễ này hướng đến tôn vinh, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh trong công cuộc hội nhập và phát triển; góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Chương trình cũng tạo cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới, kích hoạt, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trong những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại Kon Tum trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng luôn được địa phương quan tâm, chú trọng và đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đến nay, đã có khoảng 2.500 bộ cồng chiêng được các DTTS trên địa bàn tỉnh bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị.
Theo Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”, tỉnh xác định đến năm 2025, phấn đấu 100% làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh có cồng chiêng; 50% làng đồng bào dân tộc thiểu số khác có sinh hoạt văn hóa cồng chiêng được hỗ trợ cồng chiêng nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc; thành lập các Câu lạc bộ về văn hóa dân gian, phấn đấu đến năm 2025, 10/10 huyện, thành phố có ít nhất 02 Câu lạc bộ;
Bên cạnh đó, 100% cán bộ văn hoá xã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn cồng chiêng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hoá tại địa phương; 10/10 huyện, thành phố tổ chức các lớp truyền dạy về kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, xoang và chỉnh âm cồng chiêng trong làng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là lớp trẻ tại địa phương.