- Một cáo buộc chung từ phía công luận trong và ngoài nước Mỹ các trường đại học vị lợi nhuận là các trường thuộc khối này vì mục tiêu tài chính, vì quyền lợi của cổ đông mà đặt nhẹ vấn đề chất lượng, bỏ qua quyền lợi của người học.
Tiêu biểu cho các ý kiến phản đối là của Thượng Nghị sĩ Tom Harkin, Chủ tịch Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu, người năm 2012 đã đệ trình lên Thượng viện Mỹ bản báo cáodài 1298 trang chỉ ra một số minh chứng minh hoạ cho cáo buộc kể trên.
Ví dụ: về chất lượng đào tạo, đại học tư vị lợi nhuận chỉ chiếm 13% tổng số sinh viên ghi danh trên toàn nước Mỹ nhưng lại chiếm tới 47% số vụ vỡ nợ vay học phí; hay về các chỉ số hoạt động nội bộ, đại học tư vị lợi nhuận chi đến 22.7% doanh thu cho quảng cáo, marketing, tuyển sinh trong khi chỉ chi có 17.2% cho việc giảng dạy; tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng lên tới 80%.
Phe ủng hộ đại học vị lợi nhuận hẳn nhiên là không đồng ý với cáo buộc tương tự như trên và có nhiều cách để lý giải về các vấn đề này:
Trước tiên, với cáo buộc vì lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng, phe ủng hộ đại học vị lợi nhuận đặt lại phản đề, lập luận dựa trên quan điểm phổ biến trong kinh tế, đó là chất lượng cao bắt nguồn từ động lực lợi nhuận: “Lợi nhuận không phải là điều xấu xa với xã hội, không những thế, nó chính là động lực nhằm cung cấp cho khách hàng những thứ họ muốn và cần” - trích báo cáo Giáo dục đại học vị lợi nhuận: tăng trưởng, sáng tạo và quy địnhcủa Trung tâm Nghiên cứu về Khả năng chi trả và Năng suất đại học thực hiện năm 2010. Tương tự, John Katzman, người sáng lập ra Noodle, website chuyên tư vấn giáo dục cũng viết trên Tạp chí Project Syndicatenăm ngoái: “ Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao, từ điện thoại thông minh đến đường cao tốc và dịch vụ giải trí. Dường như động lực lợi nhuận, vốn rất quan trọng với rất nhiều ngành, lại đang gây thất vọng đối với một ngành quan trọng: giáo dục…. Tôi thành thực tin rằng kết quả tài chính vững mạnh và sự xuất sắc về giáo dục không là những khái niệm loại trừ nhau”.
Đối với các con số được dẫn chứng từ bản báo cáo của Thượng Nghị sĩ Tom Harkin, thoạt nhìn, có thể thấy đó là những kết quả rất đáng thất vọng, tuy vậy, nếu xem xét kỹ hơn vai trò và vị trí giáo dục đại học vị lợi nhuận trong bản đồ giáo dục đại học nói chung của toàn nước Mỹ, chúng ta có thể tìm được những lý giải hợp lý.
Cụ thể, về phân loại, hơn 4500 trường đại học, cao đẳng ở Mỹ có thể chia làm 4 nhóm: (1) các đại học công lập (đào tạo 15% tổng số sinh viên); (2) các đại học tư phi lợi nhuận (36%); (3) các trường cao đẳng cộng đồng (22%) và (4) các trường đại học tư vì lợi nhuận (27%).
Về chức năng, hai nhóm (1) và (2), về cơ bản đảm nhiệm chức năng nghiên cứu và đào tạo từ đại học đến tiến sỹ tất cả các ngành; hai nhóm còn chủ yếu tâp trung chức năng đào tạo (không có nghiên cứu) trình độ cao đẳng, đại học các ngành định hướng nghề nghiệp cao.
Riêng các trường vị lợi nhuận – nhóm (4), định hướng sinh viên chủ yếu là đối tượng nghèo, đang đi làm (trong đó phần lớn công việc ở trình độ lao động tay chân như công nhân, lao công, lính giải ngũ, lái xe taxi…), lại độ tuổi trung bình cao, có nhu cầu quay lại nhà trường học tiếp để thay đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa các trường tư vị lợi nhuận với các trường thuộc 3 nhóm còn lại (có sinh viên đi học đúng tuổi, có năng lực đầu vào tốt hơn).Theo thống kê, trong năm học 2007-2008, có khoảng 50% sinh viên tại các đại học vị lợi nhuận ở Mỹ ở độ tuổi trải dài từ 22 đến 34; trong khi đó, nhóm tuổi chiếm số đông tại đại học công và đại học tư phi lợi nhuận ở nước này là 18-21 (với tỷ lệ tương ứng 47% và 59%). Với đối tượng sinh viên đặc thù như vậy, với chức năng đào tạo như vậy, việc các trường vị lợi nhuận phải đầu tư nhiều tiền vào marketing quảng cáo, việc tỷ lệ sinh viên thành công sau khi ra trường thấp là điều dễ hiểu; và việc tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng cao cũng là điều dễ lý giải.
Tóm lại, để đánh giá các đại học tư vì lợi nhuận tại Mỹ, cần xem xét trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh của khu vực giáo dục đại học đặc biệt này. Việc dùng toàn bộ các tiêu chí, chỉ tiêu của các khu vực giáo dục đại học truyền thống làm căn cứ đối sánh sẽ dẫn đến những đánh giá khập khiễng. Chính vì vậy, những cáo buộc bấy lâu nay dành cho đại học vị lợi nhuận, mà phần lớn từ giới đại học truyền thống (đại học công hoặc đại học không vì lợi nhuận) hoặc từ những người bị ảnh hưởng nhiều bởi đại học truyền thống, phải chăng đều là những “án oan”
Gợi ý cho giáo dục đại học tư ở Việt Nam
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Chùm bài viết 2 kỳ này đã đem đến những góc nhìn khác về giáo dục đại học tư ở Mỹ. Việc chỉ ra những điều này không có nghĩa là phủ nhận thành quả của khối giáo dục đại học phi lợi nhuận cũng như bỏ qua những vấn đề của khối giáo dục đại học vị lợi nhuận, mà là cung cấp thêm góc nhìn đa chiều để độc giả, nhất là những người có trách nhiệm cùng trao đổi và thảo luận. Đồng thời, việc này cũng cho thấy, ngay cả với Mỹ, nơi vốn được xem như có nền giáo dục đại học tư ra đời sớm và phát triển nhất trên thế giới, thì vẫn còn rất nhiều vấn đề đang cần xem xét lại về mặt chính sách, thiết chế cũng như pháp lý.
Vấn đề của giáo dục đại học vị lợi nhuận không phải là chất lượng bởi chất lượng chính là động lực lớn nhất của các nhà đầu tư vị lợi nhuận – điều đã được thừa nhận trong mọi lĩnh vực khác. Vấn đề đối với giáo dục đại học vị lợi nhuận, mà rất ít người có quan điểm không ủng hộ nhưng cũng không chỉ ra được, nằm ở chỗ các nhà đầu tư vị lợi nhuận sẽ chỉ đầu tư vào các chương trình định hướng nghề nghiệp, có nhu cầu học từ phía người dân cao mà ít quan tâm đến các ngành cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn. Tuy vậy, vấn đề này cũng là điều tất yếu, và nó sẽ vẫn giữa nguyên nếu như không có sự can thiệp của Nhà nước thông qua các chính sách phù hợp.
Mặt tích cực của giáo dục đại học phi lợi nhuận chính là việc khắc phục được nhược điểm kể trên của giáo dục đại học vì lợi nhuận thông qua các cơ chế nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội như chính sách miễn thuế hay quy định không chia lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy vậy, vấn đề của đại học phi lợi nhuận là làm sao để cho những chính sách ưu đãi này tác động vào đúng nội dung, đúng địa chỉ, hiệu quả và không bị lãng phí (như trường hợp của xây dựng ký túc xá của Đại học Princeton kể trên); và quan trọng hơn, không để bị lạm dụng cho các mục đích “vị lợi nhuận” ẩn sau tấm lá chắn “phi lợi nhuận”. Ví dụ, cơ chế nào sẽ đảm bảo cho việc một nhà nghiên cứu về dược, sau khi nhận tiền tài trợ của hãng dược tư nhân, đánh giá công tâm về tác dụng phụ của loại thuốc do công ty dược đó sản xuất? Cơ chế nào sẽ đảm bảo các lãnh đạo của các đại học phi lợi nhuận không lập ra các công ty “sân sau” làm dịch vụ cho chính trường (đại học phi lợi nhuận) mà họ quản lý, để vừa được tiếng (phi lợi nhuận) lại vừa được miếng (tài chính)?
Tất cả những vấn đề và câu hỏi nêu trên đã và đang hiện hữu không chỉ đối với giáo dục đại học tư tại Mỹ mà còn ở nhiều nước khác trên toàn thế giới, nhất là ở khu vực Châu Á; nhưng rất tiếc, vẫn chưa được nêu ra thảo luận đúng mức tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.
(Tác giả xin chân thành cảm ơn TS. Vũ Thị Phương Anh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính Tp. HCM; ThS. Trần Ngọc Diệp, Trường ĐH Victoria Weillington, New Zealand đã đọc góp ý chùm bài viết này.)
- Phạm Hiệp (Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan)
(* Toàn bộ nội dung bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả)