Cây cầu vượt bắc ngang đường Lê Quang Đạo được thiết kế với những khung thép chắc chắn, trọng tải lớn, trông như một cây cầu vượt sông thu nhỏ.
Cây cầu vượt dành cho người đi bộ này có 2 lối lên xuống so le nhau ở hai đầu và 1 lối ở đoạn giữa cầu.
Tuy nhiên, lối lên xuống ở giữa cầu gây khó hiểu đối với những người nhìn thấy, khi phía dưới chân là cây cỏ và lùm cây.
Có ý kiến cho rằng nếu quy hoạch ban đầu nếu khu vực này là bồn hoa cây cảnh thì cũng không ai giẫm lên cỏ để sử dụng cầu vượt.
"Với việc cỏ mọc thế này, đi bộ bước xuống cũng không an toàn, chưa biết chừng có thể có rắn rết núp trong lùm cây. Ngoài ra cũng không ai băng qua đường để đi ra vị trí này leo lên cầu", anh Minh, một người dân sống ở phường Mỹ Đình 1 nhận định.
Người đàn ông hàng ngày cho chó đi dạo ở đây cho rằng, có thể cầu được áp dụng từ một bản thiết kế ở nơi khác nên mới xảy ra hình ảnh kỳ lạ như vậy.
Thêm nữa, cây cầu này được lắp đặt ở nơi dân cư thưa thớt, tỷ lệ người đi bộ lên xuống, qua lại cầu khá ít.
Chủ yếu người dân đi thể dục sử dụng cầu bộ hành này vào mỗi buổi chiều hàng ngày.
Hiện, cây cầu rất nhếch nhác, rác thải, không có dấu hiệu công nhân môi trường quét dọn hàng ngày. Vật dụng đựng đồ ăn được những người đi hóng mát vào ban đêm xả xung quanh.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 70 cây cầu vượt bộ hành cùng 23 hầm đi bộ tại các nút giao thông đông đúc, khu vực gần bệnh viện, trường học, bến xe nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ, giảm ùn tắc, tai nạn. Tuy nhiên, không phải công trình nào cũng hiệu quả, thậm chí gây lãng phí và vô tác dụng.