Quả bí ngô to nhất Việt Nam
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công nhận quả bí ngô lớn nhất Việt Nam do một nông dân tại Lâm Đồng trồng. Theo đó, quả bí có trọng lượng lên đến 126,6 kg, cao 1,2 mét, chu vi vòng tròn lớn nhất là 2,3 mét.
Ông Trần Huy Đường cùng với quả bí ngô khổng lồ. |
Người sở hữu quả bí khổng lồ này là ông Trần Huy Đường, chủ nhân của trang trại Langbiang Farm (TP Đà Lạt). Ông Đường biết, đây là giống bí ngô New Zealand được trang trại nhập về cách đây 3 năm để trồng. Ngoài quả bí trên thì vườn của ông Đường còn hàng trăm quả bí khác có trọng lượng cũng rất “khủng”, từ 80 đến 100 kg. Hiện giá bán cho mỗi quả bí theo ông Đường rơi vào khoảng 4 triệu đồng, tính ra mỗi kg trung bình có giá khoảng 60 ngàn đồng, cao hơn rất nhiều so với các loại bí thông thường.
“Đã có người trả giá cho quả bí này lên đến 50 triệu đồng nhưng tôi vẫn không bán. Sắp tới, tôi sẽ tổ chức bán đấu giá quả bì này, sau đó sẽ trích ra 50 % từ tiền đấu giá được để làm từ thiện”, ông Đường cho biết. Hiện quả bí đang được ông Đường đem trưng bày tại trang trại của mình để du khách chiêm ngưỡng.
Quả sầu riêng lập kỉ lục thế giới, giá 1,1 tỷ
Tại cuộc đấu giá sầu riêng diễn ra mới đây ở Thái Lan, quả sầu riêng thuộc giống Kanyao đã lập kỉ lục mới với số tiền 48.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng), gần gấp đôi kỉ lục được thiết lập vào năm ngoái.
Chủ sở hữu quả sầu riêng lập kỉ lục trên là ông Maliwan Han Chai Thai, người điều hành trang trại Pa Toi Lung Mu, cho biết: “Tôi biết đây là thứ sầu riêng đặc biệt, hiếm có nhưng tôi thật sự rất ngạc nhiên khi nó được trả giá tới 1,5 triệu baht”.
Giống sầu riêng quý hiếm Kanyao gần như bị xóa sổ kể từ sau trận lụt lớn cách đây vài năm. |
Được biết, giống sầu riêng quý hiếm Kanyao gần như bị xóa sổ kể từ sau trận lụt lớn cách đây vài năm, trang trại Pa Toi Lung Mu là nơi duy nhất còn trồng giống cây này kể từ đó.
Sầu riêng ở Thái Lan thường được bán với giá trung bình khoảng 500 baht/trái (hơn 370.000 đồng) hoặc thậm chí đắt hơn, tùy thuộc vào trọng lượng của chúng. Nhưng giá sầu riêng tại trang trại Pa Toi Lung Mu luôn cao hơn mức trung bình. Tại đây, một trái có giá từ 20.000 baht trở lên (hơn 1,5 triệu đồng).
Chuyện lạ Hậu Giang: Dân bỏ rau nhút trồng... bèo dại
Mười mấy năm trước, cả khúc sông Cái Lớn (đoạn qua xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) rất ít lục bình. Dọc 2 bên bờ sông, chỉ có một màu xanh của rau nhút, đã có không ít hộ khó khăn ở đây nhờ trồng rau nhút mà vượt được cảnh nghèo.
Cứ cách nhau 10 ngày thu hoạch một lần, thương lái vào tận nhà mua với giá 4.000-6.000 đồng/kg tùy theo thời vụ, năng suất rau nhút mỗi công khoảng 6 tấn/năm. Nhiều hộ trồng rau nhút diện tích lớn có thu nhập tiền trăm triệu đồng/năm.
Nhiều hộ ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ chuyển từ trồng rau nhút sang trồng lục bình. (Ảnh minh họa) |
Nhưng những năm gần đây, cây rau nhút bị lụi dần là do mất giá hơn so với cây lục bình (bèo tây) vì phục vụ cho sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như đan sọt, thảm, bàn ghế và một số sản phẩm dùng để trang trí nội thất khác…
Giá cả và đầu ra của lục bình cũng ổn định hơn cây rau nhút. Lúc đầu chỉ một ít hộ trồng lục bình, lâu dần thấy cây nhẹ công chăm sóc, còn nếu tính về mặt kinh tế thì chỉ bỏ ra một vốn mà đến khi lấy lại tới bốn đồng lời.
Bộ bàn ghế gỗ mun, bộ rễ gỗ trai độc nhất Việt Nam
Bộ bàn ghế khủng được làm từ lõi gỗ mun này thuộc sở hữu của anh Trần Đức Thuấn ở Khoái Châu - Hưng Yên. Để làm ra bộ bàn ghế khủng này, anh Thuấn không chỉ tốn hơn 15 khối gỗ (mỗi khối gỗ mun nặng từ 1,2 -1,5 tấn) mà còn mất đến 7 năm trời gom gỗ từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Chỉ tính riêng thời gian làm đã mất gần 2 năm với cả chục nhân công.
Bộ bàn ghế được làm từ lõi gỗ mun. |
Khi tác phẩm ra đời, nhiều đại gia đã tìm đến hỏi mua nhưng anh Thuấn chưa có ý định bán nó. Về giá trị của bộ bàn ghế, một đại gia trong làng gỗ đánh giá: với bộ bàn ghế chỉ sử dụng riêng lõi của gỗ mun sẽ rất bền và nặng. Trị giá trên thị trường hiện tại không dưới 10 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến gỗ quý, ông Nguyễn Văn Lân (73 tuổi, TP.Hà Tĩnh) đang sở hữu bộ rễ gỗ trai quý hiếm được chạm khắc tinh xảo trị giá cả tỷ đồng.
Bộ rễ gốc cây gỗ trai này có chiều cao lên đến hơn 3m nằm nổi bật ngay cổng ra vào của tư dinh ông Lân. Bộ rễ gốc cây trai quý hiếm này rất độc đáo với nhiều rễ cuộn vào nhau. Từ bộ rễ này, các nghệ nhân điêu khắc đã chạm trổ rất nhiều loại linh vật, động vật, cùng nhiều cây hoa.
Ông Lân cho biết, tác phẩm gỗ điêu khắc tuyệt đẹp này có xuất xứ từ Lào, được ông mua lại cách đây hơn 5 năm với giá gần 1 tỷ đồng. Thời cao điểm, có người trả giá ông gần 2 tỷ đồng nhưng ông từ chối bán.
Gom tinh thể đá đỏ quý hiếm làm hòn non bộ, bán giá tiền tỷ
Xuất hiện tại triển lãm cây cảnh, đá quý TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), những khối tinh thể nguyên bản chứa hàng trăm viên đá màu đỏ có giá trị lên đến hàng nghìn đô la khiến người xem chú ý.
Đây là những tác phẩm non bộ mini, có giá từ 30 – 40 triệu đồng/tác phẩm |
Anh Mai Hoàng Anh (TP. Thanh Hóa), chủ nhân của những khối tinh thể cho biết, đây là những khối tinh thể nguyên bản có nguồn gốc từ Nghệ An và Lục Yên (Yên Bái) – đây là hai vùng đất được đánh giá đá có chất lượng cao nhất thế giới. Những khối tinh thể nguyên bản càng lớn thì giá trị càng cao. Hiện tại, ở Việt Nam, những khối tinh thể lớn như vậy rất khó tìm bởi đã khai thác hết.
Chủ nhân của những tác phẩm non bộ cho biết, anh là người đầu tiên trên thế giới làm tiểu cảnh non bộ bằng đá quý.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)