Đọc diễn văn ôn lại truyền thống 190 năm ngày thành lập tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nêu rõ: Tỉnh Thái Nguyên thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, được gọi là tỉnh Thái Nguyên từ năm 1831, nằm ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của vùng Việt Bắc và của cả nước, là phên dậu vững chắc bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

{keywords}
 Thái Nguyên kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh

Năm 1996, Quốc hội đã phê chuẩn việc chia tách tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, tỉnh Thái Nguyên chính thức được tái thành lập vào ngày 1/1/1997, đây là sự kiện quan trọng, mở ra một trang sử mới trong lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Sau 25 năm tái lập, Thái Nguyên luôn phát huy vị trí, thế mạnh của tỉnh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo với nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Hiện nay, giá trị xuất khẩu Thái Nguyên đứng thứ tư cả nước; thu ngân sách đứng trong nhóm 20 tỉnh hàng đầu của cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt gần 11%; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi...

Tỉnh đã thu hút được 161 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 8,6 tỷ USD, gần 8.000 doanh nghiệp trong nước; đời sống người dân ngày càng được nâng cao; GDP bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 lên gần 90 triệu đồng/người/năm vào năm 2020, mục tiêu đến năm 2025 là 150 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng GRDP 8%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh, từ 11,21% năm 2016 xuống còn 2,82% năm 2020...

Trong thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh, xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp lớn... khẳng định vị thế, vai trò của Thái Nguyên là động lực, là cực tăng trưởng trong liên kết vùng và với các tỉnh lân cận....

Tham dự lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua đồng thời đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tập trung quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Thái Nguyên triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi số xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... 

Văn Lợi